Ngành Công Thương Đắk Nông: Phát triển mạnh thương mại dịch vụ
Cùng với việc phát triển các thế mạnh về công nghiệp, năng lượng, thương mại dịch vụ cũng là một trong những trọng tâm phát triển ngành Công Thương Đắk Nông
Đa dạng giải pháp phát triển thương mại dịch vụ
Theo Sở Công Thương Đắk Nông, 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt hơn 6.440,78 tỷ đồng, tăng 15,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thương nghiệp: 5.063,4 tỷ đồng, tăng 8,96%; lưu trú và ăn uống: 1.177,76 tỷ đồng, tăng 63,32%; dịch vụ khác: 199,36 tỷ đồng, giảm 10,72%; doanh thu du lịch tăng 14,22%.
Thương mại, dịch vụ tăng trưởng trở lại sau 2 năm đình trệ đã cho thấy, mức tiêu dùng của người dân đang tăng dần trở lại.
Thời gian qua, để thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ phát triển, tỉnh Đắk Nông đã tập trung xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Các cơ quan, ban ngành chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập, xây dựng mô hình thí điểm mua bán hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức sản xuất, kinh doanh xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế, đặc trưng, đặc sản của địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên địa bàn tỉnh và của các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận, trao đổi, thỏa thuận, hợp tác về hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước để xây dựng một quy trình ổn định cung cấp hàng hóa từ vùng sản xuất đến các cơ sở bán buôn và bán lẻ.
Ngoài ra, Đắk Nông ưu tiên các nguồn lực xây dựng hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hệ thống bán buôn, bán lẻ, cửa hàng tiện ích hiện đại nhằm phát triển các mô hình thương mại – dịch vụ gắn với sản xuất, chế biến với lưu thông, phân phối hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và nâng cao đời sống của nhân dân.
Song song với đó, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp công nghệ số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và tăng khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức triển khai các hoạt động liên kết vùng, miền nhằm tăng cường các hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị cho sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức các phiên chợ hàng việt tại địa bàn khó khăn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ
Tiếp bước đà tăng trưởng, trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thời gian tới, ngành Công Thương nhấn mạnh tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Trong đó, ngành sẽ hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp bảo đảm cung ứng hàng hóa, phục vụ người dân.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối giao thương được thực hiện hiệu quả hơn; trong đó, chú trọng tới xúc tiến thương mại ngoài nước. Từ đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống sẽ được thực hiện có hiệu quả cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia.
Lan Phương