Ngành Công Thương: Những điểm sáng trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh

Dịch Covid-19 xảy ra tại Bình Thuận vào tháng 3 năm nay, cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ít nhiều tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Dù vậy với ngành Công Thương địa phương, trong bối cảnh đó cũng ghi nhận những điểm sáng và là tín hiệu lạc quan để hướng đến hoàn thành nhiệm vụ của cả năm…

Ngành Công Thương

Số liệu thống kê trong 3 quý của năm 2020 cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn Bình Thuận ước đạt 26.745,4 tỷ đồng, tăng 9,22% so cùng kỳ năm ngoái và bằng 73,44% kế hoạch năm nay. Trong đó “đầu tàu” là công nghiệp chế biến - chế tạo và sản xuất - phân phối điện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương với giá trị thực hiện lần lượt đạt 12.478,3 tỷ đồng (tăng 0,81%) và 13.494,1 tỷ đồng (tăng 18,35%).

Cùng thời gian, hoạt động thương mại nội địa vẫn ổn định, không tăng giá đột biến kể cả mặt hàng khẩu trang, nước diệt khuẩn luôn bảo đảm đủ về số lượng phục vụ nhu cầu nhân dân trong phòng chống dịch Covid-19… Qua 9 tháng của năm 2020 ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, tuy nhiên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại Bình Thuận cũng đạt gần 42.770 tỷ đồng. Con số này dù tăng không đáng kể so cùng kỳ năm trước, nhưng tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa tại địa phương thì tăng 6,69% với hơn 30.170 tỷ đồng.

Trong bức tranh tổng thể của ngành, có lẽ hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị tác động tiêu cực nhất do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khiến các nước tăng cường biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, ngoài ra nhu cầu của thị trường thế giới cũng sụt giảm. Dù vậy, trong 3 quý của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của Bình Thuận chỉ giảm 0,81% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất sang châu Á ước đạt 215,93 triệu USD (tăng 0,63%) và châu Âu đạt 46,36 triệu USD (tăng 17,15%)…

Từ những điểm sáng tích cực, ngành Công Thương đang tập trung nhiệm vụ cho thời gian còn lại của năm 2020 theo chỉ đạo của tỉnh phải nỗ lực bảo đảm mục tiêu “kép”. Đó là vừa phòng chống dịch Covid - 19, vừa triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng... Theo đó ngành sẽ đôn đốc chủ đầu tư xúc tiến xây dựng, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn như Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2. Tiếp đó phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để tiến tới xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 và các dự án điện gió, điện mặt trời. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiếp tục thi công công trình đường dây và trạm biến áp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải phóng công suất cho dự án năng lượng tái tạo tại địa phương.

Từ nay đến hết năm, ngành Công Thương cũng triển khai chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành khu vực Đông - Tây Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long. Với hoạt động xuất khẩu sẽ thực hiện giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ các nhóm hàng hóa chủ lực mà nhất là nắm bắt tình hình, khuyến cáo doanh nghiệp xuất qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc đem lại hiệu quả. Cùng với đó còn đề xuất, triển khai các thủ tục liên quan để bổ sung dự án đầu tư trung tâm logistics kết nối với Cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân vào quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-nhung-diem-sang-trong-boi-canh-anh-huong-dich-benh-132085.html