Ngành Công Thương quyết tâm với 'mãnh lực vươn lên' trong năm 2022
Sáng ngày 8/2/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi gặp mặt và chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương nhân dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dần.
Nỗ lực bứt phá của ngành Công Thương
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tàn phá các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp. Phần lớn thời gian trong năm 2021 được tập trung cho phòng chống dịch, chỉ có 4-5 tháng dành cho những hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Khó khăn chồng chất khó khăn, đến quý III/2021, GDP cả nước vẫn ở mức âm 6,7% nhưng nhờ có những ý chí, quyết tâm, quyết sách đúng đắn của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã kịp thời mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phục hồi phát triển.
Kết quả, năm 2021, tăng trưởng GDP cả nước đạt 2,28%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng dương này, giữa bối cảnh đặc biệt khó khăn, ngành Công Thương đã có những đóng góp đáng kể.
Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, chiếm 68-70 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP. Đặc biệt, một số ngành chế biến chế tạo phát triển mạnh, đóng góp lớn cho kinh tế đất nước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 có bước tăng kỷ lục, đạt 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020 và đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng xuất khẩu đạt 337 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
“Những kết quả nổi bật này không thể không kể đến sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đã cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Công Thương và các cơ quan thuộc Bộ triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, năm 2022, có nhiều thời cơ thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế. Đó là nhiều bài học, kinh nghiệm rút ra từ bối cảnh khó khăn; nền chính trị ổn định và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được triển khai, trên nền tảng độ tiêm phủ vaccine đã cao.
Đồng thời, hàng loạt cơ chế, chính sách mà Quốc hội thể chế hóa quan điểm của Trung ương thời gian qua đã tạo điều kiện cho việc phục hồi kinh tế đất nước trong thời gian tới. Việc Việt Nam đã và đang trở thành thành viên có trách nhiệm đối với các tổ chức kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết và bắt đầu có hiệu lực, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng tạo ra những cơ hội rất tốt cho ngành Công Thương có “đất dụng võ”.
Tuy nhiên, nhiều thách thức còn tồn tại như: đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường; chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch khá phổ biến; dự báo khả năng lạm phát kinh tế toàn cầu khi tất cả các quốc gia đều tung gói kích cầu kinh tế; sau đại dịch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, nhất là những nước lớn, sẽ thay đổi, khiến những trật tự cũ thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi.
“Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tích, kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian vừa qua, kể cả những bài học rút ra từ thất bại trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đồng thời bày tỏ ngành Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để đạt được những kết quả tốt hơn trong năm 2022 và thời gian tới, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022
Biểu dương những thành tích ấn tượng và đóng góp quan trọng của ngành Công Thương vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước trong năm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định công nghiệp chế biến chế tạo những năm gần đây đã trở thành trụ cột của nền kinh tế.
Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, một số ngành như phân bón, hóa chất, dầu khí vẫn hoạt động liên tục. Đặc biệt, ngành Điện đã đảm bảo rất tốt việc cung cấp điện an toàn, hầu như không xảy ra gián đoạn trong dịp Tết cao điểm. Xuất nhập khẩu cao hơn 2 lần so với tổng GDP. Tiềm năng của ngành công nghiệp và thương mại, cả trong và ngoài nước, rất lớn, với việc ký và triển khai loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP - cũng chính là những đóng góp của ngành Công Thương.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2021, kể cả những địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, đều đạt và vượt cao so với dự đoán, nhờ đóng góp quan trọng của ngành Công Thương - với hoạt động chủ lực là xuất nhập khẩu.
“Chúng tôi cũng rất mừng khi đến Tết, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu cơ bản đã được giải quyết. Ngay những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, khối lượng hàng hóa, nông sản lưu thông qua các cửa khẩu đã bắt đầu gia tăng. Tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2022 đã có số liệu thống kê khá tốt, hứa hẹn có 1 năm bù lại những gì chúng ta đã mất trong năm 2021, lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách cam go đặt ra trước mắt, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Do đó, Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương cần sớm triển khai sớm các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình của Chính phủ. Tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch trên tinh thần “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Tiếp tục rà soát, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có kế hoạch phủ kín vaccine cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động trong ngành.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng kèm theo nhiều thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Như vậy, khung khổ chính sách, cơ chế về phục hồi kinh tế đều đã có. Quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Công Thương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
“Các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng của Bộ và các cơ quan tăng cường đoàn kết nhất trí, nỗ lực hơn nữa và lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm trong mọi quyết sách”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị.
Ngay từ những ngày tháng đầu năm, toàn ngành cần chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, không để tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Đẩy nhanh việc rà soát các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch mà ngành phụ trách theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và pháp luật về quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào năm mới với một tâm thế mới; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, XIII; tăng cường hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Năm Nhâm Dần 2022, với truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, kết quả đạt được trong năm 2021, hy vọng Bộ Công Thương nói riêng và ngành Công Thương nói chung sẽ có mãnh lực vươn lên, gặt hái được những thành công tốt hơn trong năm 2022”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì các hội nghị để bàn và cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội bằng kế hoạch hành động của ngành Công Thương. Đồng thời đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hỗ trợ cho ngành Công Thương. Trước mắt là tháo gỡ về mặt thể chế để ngành phát triển thuận lợi hơn, đóng góp xứng đáng đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.