Ngành Công Thương Thái Bình: Bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm
Sở Công Thương tỉnh Thái Bình xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Sở. Từ đó đề ra các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt triển khai các chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị góp phần nâng cao nhận thức đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh. Đây được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu tại địa phương.
Việc triển khai các quy định về bảo đảm ATTP tại địa phương được thực hiện theo phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Theo đó các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã chịu trách nhiệm triển khai công tác bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Triển khai công tác bảo đảm ATTP, hàng năm Sở Công Thương ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở, các phòng kinh tế và hạ tầng huyện, phòng kinh tế thành phố tham mưu triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tập trung vào các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân; Tết Trung thu; Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15/4 đến ngày 15/5).
Trong đó, tại Tháng hành động vì ATTP, đẩy mạnh phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ATTP, văn bản thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nêu cao trách nhiệm của chủ cơ sở, người lao động trong sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền kiến thức và nhận thức đúng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phân biệt thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng...
Đặc biệt, công tác thanh tra kiểm tra về ATTP có sự tham gia, phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể liên quan, hạn chế được sự chồng chéo trong công tác quản lý. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những cơ sở có nguy cơ cao về ATTP, kết hợp công tác kiểm tra với tuyên truyền về ATTP, không để tái diễn các vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tính đến thời điểm ngày 5/5/2021, tổng số cơ sở được kiểm tra trên địa bàn tỉnh là 852 cơ sở. Qua đánh giá sơ bộ có 340 cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 40%), 512 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 60%).
Các hành vi vi phạm chủ yếu ở cơ sở sản xuất thực phẩm được xác định đó là: Giấy xác nhận kiến thức về ATTP hết thời hạn, thiếu hóa đơn, chứng từ liên quan đến mua nguyên liệu, bán sản phẩm và chưa thực hiện vệ sinh máy móc, dụng cụ sau mỗi ca sản xuất, thiếu thủ tục tự công bố sản phẩm... Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, còn tình trạng chưa thực hiện niêm yết giá bán sản phẩm, thiếu bản cam kết bảo đảm ATTP theo quy định…
Song nhìn chung, công tác bảo đảm ATTP ngành Công Thương Thái Bình đạt được những kết quả nhất định, không để xảy ra vụ ngộ độc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý; nhận thức về trách nhiệm của các sở, ngành, các địa phương và của nhân dân dần được nâng cao.
Công tác bảo đảm ATTP ngành Công Thương nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thu hút được sự tham gia của nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội. Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP được chú trọng triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, Sở Công Thương xác định công tác bảo đảm ATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Sở, từ đó đề ra các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 5.330 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc quản lý ngành Công Thương. Số lượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh lớn, đa dạng về chủng loại sản phẩm/hàng hóa trong khi đó kinh phí dành cho công tác lấy mẫu kiểm nghiệm phục vụ công tác hậu kiểm không đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm ATTP của ngành còn mỏng, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực. Việc phân định và xác định loại hình cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa cụ thể, vì vậy việc phân cấp quản lý về ATTP ngành Công Thương cả 3 tuyến (tỉnh, huyện, xã) còn gặp vướng mắc… Đây là một số khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về ATTP hiện nay của ngành Công Thương.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm quản lý ngành Công Thương trong thời gian tới, Sở Công Thương Thái Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tăng cường phối hợp bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý ATTP; nâng cao năng lực kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm và kiện toàn bộ máy quản lý về ATTP; chỉ đạo các cơ quan ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi những quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đầu tư về hệ thống kiểm nghiệm ATTP, chỉ tập trung cho một đầu mối đủ năng lực kiểm nghiệm các chỉ tiêu thực phẩm của các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương. Ngoài ra, có cơ chế, khuyến khích việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác ATTP tỉnh, huyện, xã.