Ngành Công Thương TP.Hồ Chí Minh: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp
Với mức tăng trưởng ổn định và khá cao của ngành công nghiệp, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ, tháo gỡ nhanh những khó khăn vướng mắc giúp DN phát triển tăng trưởng ổn định, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng toàn ngành trong cả năm 2019.
Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao
Trong 7 tháng/2019 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Do hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác tăng mạnh vì thế các ngành khai thác tăng 4,6% trong 7 tháng qua. Cụ thể như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,9%...
Đối với các ngành công nghiệp cấp II, tính chung 7 tháng/2019 có 18/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có mức tăng khá như: Sản xuất kim loại tăng 57,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 25,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 20,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,1%...
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, trong 7 tháng/2019 cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 1,2%; ngành điện tử tăng 25,3%; ngành cơ khí tăng 8,8%. Ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do các DN thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại...
Các ngành sản xuất truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng/2019 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành dệt tăng 2,7%; ngành may trang phục tăng 1,5%; ngành da giày giảm 1,6%.
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh hoạt động xuất công nghiệp 7 tháng/2019 vẫn duy trì mức tăng tương đối ổn định. Các chỉ số về sản xuất, tiêu thụ và tồn kho vẫn ở mức tăng bình thường. Ngành công nghiệp tăng trưởng góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách, tăng trưởng xuất khẩu của thành phố.
Cụ thể tổng thu ngân sách 7 tháng/2019 thực hiện 229.815 tỷ đồng, đạt 57,6% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước cũng đạt 23.259,1 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đề ra trong năm 2019 là 8,1% ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các DN trong việc phát triển sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
Đồng hành cùng DN
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết các hoạt động xúc tiến trong thời gian sắp tới sẽ hỗ trợ cho các DN sản xuất công nghiệp mở rộng và phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, tiếp cận trực tiếp và tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Đồng thời xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các DN phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thông qua các hội chợ, triển lãm thuộc Chương trình xúc tiến thương mại năm 2019 sẽ tập trung thực hiện như Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2019; Hội nghị kết nối cung - cầu công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với quy mô 500 gian hàng về máy móc thiết bị công nghiệp và chi tiết linh kiện sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
Từ phía Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tháo gỡ nhanh những khó khăn cho các DN sản xuất công nghiệp. Cụ thể hỗ trợ thủ tục hành chính về thuế, hải quan Cục Thuế thành phố đã hướng dẫn, hỗ trợ pháp luật thuế, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc của người nộp thuế. Cải cách hành chính luôn được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế tuân thủ pháp lụat thuế, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong thực hiện nghĩa vụ thuế, đáp ứng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương chung của Chính phủ và của UBND thành phố. Phối hợp Hiệp hội DN, các hội ngành nghề tổ chức cho DN gặp gỡ chính quyền thành phố, các cơ quan quản lý như hải quan, ngân hàng... để chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.
Đặc biệt ngành Công Thương cũng đã trực tiếp tiếp xúc với các DN để giải quyết khó khăn theo kiến nghị cụ thể của DN và theo đặc thù ngành nghề. Từ đầu năm đến nay, đã đến thăm và làm việc tại 91 cơ sở DN; trong đó, đã phối hợp Cục Thống kê đi khảo sát, nắm bắt khó khăn và tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ của 18 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tập trung rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường...