Ngành Công thương 'về đích' vượt mức các chỉ tiêu

Vượt qua nhiều khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài, ngành Công thương đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Bà Mai Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin về hoạt động ngành Công thương năm 2024, chiều 7/1/2025.

Bà Mai Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin về hoạt động ngành Công thương năm 2024, chiều 7/1/2025.

Chiều 7/1, Bộ Công thương họp báo thường kỳ quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025.

Bà Mai Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương) cho biết, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, ngành Công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Ngành Công thương đã hoàn thành công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo.

Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất..., hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục gần 800 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu.

Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao, 24,7 tỷ USD, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Song song với đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%. Cả nước có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng thêm 2 mặt hàng so với năm ngoái.

Đáng chú ý, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%).

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023).

Dẫu vậy, vẫn còn không ít hạn chế của hoạt động công nghiệp - thương mại năm 2024 cũng được bà Hiền đề cập.

"Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, vcơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn", bà Hiền nói.

Xuất khẩu năm qua tăng cao nhưng phần lớn kim ngạch xuất khẩu của nước ta do các doanh nghiệp FDI mang lại nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, bà Mai Thu Hiền cho biết, thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xác định kịch bản tăng trưởng cao của GDP năm 2025, ngành Công thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025.

Theo đó, Bộ tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách, xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật điện lực (sửa đổi); thực hiện cụ thể hóa chủ trương khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt…

Để xuất khẩu tăng trưởng 12% như mục tiêu cho năm tới, ngành Công thương hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương năm 2025

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.

Xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024.

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. Trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) 82.097 MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nganh-cong-thuong-ve-dich-vuot-muc-cac-chi-tieu-d239632.html