Ngành da giày nắm bắt cơ hội từ EVFTA
Được mệnh danh là nước xuất khẩu da giày lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu chiếm gần 10% toàn cầu, nhưng giá trị mang lại của ngành da giày Việt Nam (DGVN) chưa đạt như kỳ vọng, nhất là khi sản lượng xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực đang có dấu hiệu sụt giảm. Việc Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) vừa ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội để ngành DGVN phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp (DN) trong hầu hết các khâu sản xuất, kinh doanh.
Được mệnh danh là nước xuất khẩu da giày lớn thứ hai trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu chiếm gần 10% toàn cầu, nhưng giá trị mang lại của ngành da giày Việt Nam (DGVN) chưa đạt như kỳ vọng, nhất là khi sản lượng xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực đang có dấu hiệu sụt giảm. Việc Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) vừa ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội để ngành DGVN phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp (DN) trong hầu hết các khâu sản xuất, kinh doanh.
Mở rộng thị phần
Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và khi EVFTA được ký kết, nhiều cơ hội mới đã mở ra. Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty giày Nam Bình Nguyễn Quang Vũ cho biết: Khi EVFTA có hiệu lực, ngành da giày và túi xách sẽ được hưởng lợi nhiều do kim ngạch xuất khẩu của ngành vào EU hiện đang chiếm hơn 80% thị phần. Các DN được hưởng ngay là các DN lớn, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất cho các thương hiệu nổi tiếng ở thị trường EU. Còn các DN nhỏ chưa được hưởng lợi nhiều do chủ yếu gia công lại cho các đơn vị lớn. Một khi thuế quan giảm về 0%, chắc chắn các thương hiệu sẽ chuyển đơn hàng về Việt Nam nhiều hơn. Do đó, để nắm bắt cơ hội và mở rộng thị trường, đòi hỏi các DN phải thay đổi theo chuẩn mức đánh giá chung của họ. Môi trường và các chính sách cho người lao động phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của từng khách hàng với những yêu cầu riêng. Các DN trong nước có thể tranh thủ cơ hội khi làm việc với các đối tác nước ngoài có trình độ quản lý cao để học hỏi, cải thiện năng lực quản lý, đồng thời, thay đổi thiết bị và công nghệ theo xu hướng mới, bảo đảm sản lượng và chất lượng sản phẩm cao hơn.
Chung quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH giày Tuấn Việt (Đồng Nai) Trần Văn Tắc khẳng định, EVFTA vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các DN. Vì vậy, DN phải tìm ra những phương án để phát triển phù hợp xu thế phát triển của thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay. Công ty hiện đang xuất khẩu sản phẩm sang hơn 40 nước trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu hơn hai triệu đôi giày/năm, trong đó thị trường EU (chủ yếu là I-ta-li-a) chiếm hơn một triệu đôi, tiếp đến là Mỹ khoảng 500 nghìn đôi,... Việc ký kết các hiệp định thương mại sẽ có lợi nhưng bản thân DN cũng phải tính toán và có chiến lược phát triển thị trường hợp lý, nhất là trong bối cảnh việc chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại chưa được thực hiện triệt để như hiện nay, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất, kinh doanh của DN. Nếu không kiểm soát chặt, chỉ cần lượng hàng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam dán nhãn mác rồi xuất khẩu, lúc đó sẽ rất nguy hiểm vì sẽ chịu mức thuế cao và đánh mất thị trường. Do vậy, DN phải tìm ra những mặt hàng độc đáo, đáp ứng đúng thế mạnh của mình để đẩy mạnh phát triển. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa thị trường để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro xảy ra. Đồng thời, Nhà nước cũng cần chung tay với DN về vấn đề lao động, có chính sách tiền lương một cách hài hòa, hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu và chia sẻ, gắn bó lâu dài với DN.
Khắc phục các “điểm nghẽn”
Số liệu thống kê của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, trong sáu tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành DGVN đạt hơn 10,33 tỷ USD. Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất trong sáu tháng là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn cao, riêng Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm đầu tư trong lĩnh vực da giày, cho nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Đề cập vấn đề này, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài cho rằng, ngành DGVN đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội này, các DN phải chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước và giải quyết bài toán về vấn đề thương hiệu. Hiện tại, ngành DGVN vẫn làm gia công là chủ yếu mà chưa có sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu của riêng DN, do đó, cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới.
Tương tự, Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn khẳng định, ngành DGVN vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi ngành cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất da giày kém. Các trung tâm nghiên cứu, phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo nghề không sát thực tế khiến DN phải tốn nhiều thời gian đào tạo lại. Ngoài ra, các DN trong nước chưa chủ động nguồn nguyên, phụ liệu, còn phụ thuộc vào nước ngoài khi tỷ lệ nhập khẩu chiếm tới 40 đến 50%. Điều đó cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, dự kiến đạt 21,5 tỷ USD trong năm nay nhưng giá trị mang lại thấp. Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc nhấn mạnh, trước xu thế lượng đơn hàng đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là cơ hội để các DN đẩy mạnh sản xuất. Thế nhưng, muốn mở rộng hay đầu tư trang, thiết bị hiện đại thì cần nguồn lao động chất lượng để có thể nắm bắt, vận hành được. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, rất cần Nhà nước có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN phát triển. Đặc biệt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng được các vùng nguyên liệu, trung tâm thiết kế hiện đại,… tạo điều kiện để ngành phát triển.
Phó Chủ tịch Hội Xuất - Nhập khẩu tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, để xuất khẩu vào thị trường EU, chất lượng sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao và điều này gián tiếp góp phần cho hoạt động kinh doanh hiệu quả trong xu thế hội nhập. Vấn đề lúc này, DN phải tận dụng được thời cơ điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu (phần lớn giảm gần 70% thuế suất), đây là điều rất thuận lợi về hàng rào thuế quan giúp DN phát triển. Để xuất khẩu vào thị trường EU, đòi hỏi từng DN phải tìm hiểu kỹ các quy định để có sự chuẩn bị phù hợp, kịp thời, để không bị yếu thế trong sân chơi với EU.