Ngành da giày phát triển thị trường nội địa: Tìm tiếng nói chung
Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường nội địa ngành da giày cần phải tìm được thông điệp cũng như tiếng nói chung giữa DN và người tiêu dùng.
Những năm gần đây, xu hướng phát triển giày dép trên thế giới đã tác động rõ rệt vào thị trường nội địa của ngành da giày Việt Nam. Rõ rệt nhất là công nghệ giày dép hướng tới sự tiện lợi trong sử dụng và không tác động nhiều đến môi trường.
Tại các chợ có thể thấy rõ điều này, các sản phẩm giá không theo xu hướng tiêu dùng đang trong tình trạng ế ẩm. Điều này cảnh báo cho DN Việt Nam phải tiếp cận các thông tin mới, công nghệ mới để thay đổi rất nhanh chóng các mặt hàng phục vụ cho thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti) - cũng đồng tình và cho rằng, người tiêu dùng trong nước đã cởi mở hơn với sản phẩm giày dép nội, tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để được lựa chọn là sản phẩm phải có thương hiệu, có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo và lâu dài. Cùng đó, DN phải đầu tư công nghệ để sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và tạo được lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh sự chủ động của DN, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - khẳng định: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có tác động lan tỏa, giúp cho các DN da giày trong nước có thể cung cấp các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng ở những vùng rất xa, đặc biệt là vùng nông thôn- phân khúc thị trường tiềm năng.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, người tiêu dùng không nên chỉ tập trung vào các mặt hàng quá rẻ hay không quan tâm đến giá trị khác của sản phẩm như trách nhiệm xã hội, môi trường thì mới có thể tiêu dùng thông minh và sử dụng được các sản phẩm thực sự mang lại giá trị. Doanh nghiệp cần phải đổi mới từ công nghệ đến mẫu mã sản phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá thành hợp lý đáp ứng được các yêu cầu mới của người tiêu dùng.
“Thị trường nội địa với đặc trưng có nhiều đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển phù hợp. Cần làm mới sản phẩm, không nhất thiết phát triển những bộ sưu tập quá cồng kềnh với nhiều sản phẩm thay đổi sẽ tốn kém và không tạo sự kích thích người tiêu dùng” - bà Phan Thị Thanh Xuân lưu ý.