Ngành đào tạo vi mạch bán dẫn đang hút người học
Theo chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử trong việc tham gia sâu rộng vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trên toàn cầu, cũng như những cơ hội to lớn để thu hút đầu tư, phát triển vi mạch bán dẫn.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường đại học đã nhanh chóng mở ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn để đón đầu xu hướng. Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên, tăng gần 600 chỉ tiêu so với năm trước. Trường mở thêm 5 ngành mới, đều thuộc các lĩnh vực ngoài sư phạm. Đáng chú ý có Vật lý học, với chuyên ngành Vật lý Bán dẫn và Kỹ thuật.
Lý giải về việc mở ngành, trường cho biết vật lý là cơ sở cho các ngành như bán dẫn, vật liệu mới, đòi hỏi đào tạo bài bản và ứng dụng thực tiễn. Việc phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là chủ trương của nhà nước. Vì vậy, trường quyết định mở ngành này trong năm 2025 với 120 chỉ tiêu.
Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu tiêu đào tạo 20.000 trong số 50.000 nhân lực ngành bán dẫn theo chiến lược của Chính phủ đến năm 2030. Ba trường thuộc cơ sở giáo dục này là trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Việt Nhật, trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn .
PGS. TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Các năm trước, khối xã hội và tự nhiên chênh lệch, nhưng năm nay sẽ khác, thí sinh sẽ cạnh tranh cao liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo".
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn. Chuẩn chương trình này không chỉ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo thí điểm, chương trình đào tạo thứ hai và chương trình đào tạo liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.