Ngành dầu lửa Nga 'sống sót' thế nào khi gọng kìm trừng phạt ngày càng siết chặt?
Xuất khẩu dầu lửa Nga vẫn trụ vững và 'tỏa sáng' trong năm 2022 bất chấp sự trừng phạt của phương Tây, nhưng sang năm nay, ảnh hưởng có vẻ đã bắt đầu hiện rõ...
Dù bị phương Tây quay lưng, Nga vẫn chuyển hướng được dòng chảy xuất khẩu dầu thô khổng lồ của mình sang châu Á, tổ chức được một đội tàu chở dầu quy mô lớn không bị cản trở bởi sự trừng phạt, và áp dụng những biện pháp “né” trừng phạt vốn dĩ đã được làm hoàn hảo bởi những quốc gia như Iran và Venezuela.
Theo tờ New York Times, những nỗ lực trên của Nga đã phát huy tác dụng. Số liệu chính thức cho thấy nước này không những duy trì mà còn tăng doanh thu từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, mặc cho “cơn bão” trừng phạt trút xuống. Thậm chí, con số thực tế về doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga còn có thể cao hơn những gì được công bố, bởi còn có các giao dịch ngầm không được đưa vào thống kê.
“Nói chung, trừng phạt giống như một cuộc đua marathon thay vì một cuộc chạy nước rút. Hiện nay, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối ngành dầu lửa Nga, và chúng ta nên hiểu rằng đây là một thay đổi vĩnh viễn đối với thị trường dầu lửa toàn cầu”.
Ông Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ
Dù vậy, các biện pháp trừng phạt mới nhất mà phương Tây áp lên xuất khẩu năng lượng của Nga - bao gồm lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển và trần giá dầu Nga của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng có hiệu lực từ đầu tháng 12 năm ngoái, và cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga, kèm theo một trần giá của G7, bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 2 này - đã bắt đầu có ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Moscow.
Việc phương Tây từ từ siết chặt gọng kìm trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu lửa Nga là nhằm mục đích làm cạn dần doanh thu xuất khẩu năng lượng của nước này mà không đặt ra trở ngại lớn đối với sự phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Giới phân tích nói rằng cố gắng này của phương Tây sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đạt được mục tiêu như vậy.
“CHỐNG LẠI NGA KHÔNG HỀ DỄ”
“Nói chung, trừng phạt giống như một cuộc đua marathon thay vì một cuộc chạy nước rút. Hiện nay, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối ngành dầu lửa Nga, và chúng ta nên hiểu rằng đây là một thay đổi vĩnh viễn đối với thị trường dầu lửa toàn cầu”, ông Edward Fishman, một cựu quan chức chuyên về vấn đề lệnh trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu.
Trong năm đầu tiên kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moscow vẫn duy trì được dòng chảy xuất khẩu năng lượng.
Theo số liệu từ Chính phủ Nga và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cả năm 2022, Nga tăng sản lượng dầu được 2% và tăng doanh thu xuất khẩu dầu thô được 20%, đạt 218 tỷ USD. Sự tăng trưởng doanh thu này có được nhờ giá dầu thế giới tăng mạnh và nhu cầu hồi phục nhanh sau các đợt phong tỏa chống Covid. Xu hướng này cũng mang lại lợi ích lớn cho các công ty dầu khí khổng lồ của phương Tây như Exxon Mobil và Shell - những “ông lớn” đều báo lãi kỷ lục trong năm ngoái. Chưa kể, Nga còn thu 138 tỷ USD từ xuất khẩu khí đốt, tăng gần 80% so với năm 2021, khi giá khí đốt lên cao kỷ lục bù đắp cho sự suy giảm của dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu.
Sau một đợt giảm nhẹ trong tháng 12, khi lệnh cấm vận mới của EU và trần giá của G7 chính thức có hiệu lực, khối lượng xuất khẩu loại dầu thô chính của Nga đã hồi phục trở lại – theo IEA. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo rằng trần giá đối với dầu thô Nga, ở mức 60 USD/thùng, khó có thể ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu dầu của nước này. IMF dự báo nền kinh tế Nga sẽ đạt mức tăng trưởng 0,3% trong năm nay, sau khi giảm 2,2% trong năm 2022. Mức dự báo đó thậm chí cao hơn cả triển vọng mà IMF đưa ra cho nền kinh tế Anh và Đức.
Để giữ vững dòng chảy xuất khẩu dầu, Nga đã chuyển hướng sang bán nhiều dầu hơn cho Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, tranh thủ khả năng tiếp cận của tàu chở đầu Nga tại các hải cảng ở ba vùng biển khác nhau, dựa vào mạng lưới đường ống dẫn dầu khổng lồ, cùng một đội tàu chở dầu quy mô lớn và thị trường vốn dồi dào trong nước được ngăn cách với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong quá trình đó, chỉ trong vòng vài tháng, Nga đã điều chỉnh những khuân mẫu đã tồn tại hàng thập kỷ của giao dịch dầu lửa toàn cầu. Chẳng hạn, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 16 lần so với thời điểm trước khi nổ ra chiến tranh, đạt bình quân 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 12 – theo IEA. Theo hãng tin Reuters, trong tháng 1, dầu Nga chiếm 27% trong số 5 triệu thùng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu bình quân mỗi ngày.
“Nga vẫn là một lực lượng mạnh trên thị trường năng lượng toàn cầu. Chống lại một lực lượng lớn như vậy không dễ chút nào. Đó là việc không thể làm được trong một ngày”, học giả Sergey Vakulenko thuộc Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, nhận định.
DẦU NGA ĐƯỢC BÁN VỚI GIÁ CAO HƠN BÁO CÁO?
Nhưng dù Nga vẫn đang tiếp tục sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, giữ vị trí nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia, các biện pháp trừng phạt của phương Tây gần đây đã bắt đầu khiến doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga giảm sút. Theo ước tính của IEA, trong tháng 12, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga chỉ đạt 12,6 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Nga cũng tuyên bố cắt giảm sản lượng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 3. Tất cả những diễn biến này phản ánh một điều rằng dầu Nga đang bị bán với mức giá chiết khấu lớn so với giá dầu quốc tế, và số lượng khách hàng mua dầu Nga ngày càng ít đi.
Xu hướng này có vẻ sẽ duy trì. Bộ Tài chính Nga cho biết thu nhập của Chính phủ nước này từ sản xuất và xuất khẩu dầu thô và khí đốt trong tháng 1 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 1, chênh lệch giữa giá dầu Brent – giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - với giá dầu Urals - loại dầu xuất khẩu chính của Nga – đã tăng lên mức khoảng 40 USD/thùng, theo công ty dữ liệu năng lượng Argus Media. Trước chiến tranh, khoảng cách giá giữa hai loại dầu chỉ là vài USD.
Thừa nhận sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu dầu, Bộ Tài chính Nga cho biết giá bình quân của dầu Urals trong tháng 1 là 49,5 USD/thùng, chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này dùng giá dầu Urals để tính thuế thu từ xuất khẩu dầu. “Lợi nhuận bất thường sẽ giảm, và doanh thu sẽ trở nên khó đoán hơn”, Bộ Tài chính Nga cho biết trong dự báo ngân sách đưa ra vào cuối năm ngoái.
Đối với những người ủng hộ việc trừng phạt ngành công nghiệp dầu lửa Nga, việc nước này tiếp tục bán được dầu nhưng thu về ít tiền hơn chính là hệ quả được mong đợi của việc áp trần giá. Ý tưởng của họ là vừa khiến Nga kiếm được ít tiền hơn, vừa tránh được tình trạng thế giới thiếu dầu và giá dầu bị đẩy lên cao.
“Đến nay, mọi việc đang đi theo chiều hướng tốt”, ông Fishman nói.
Tuy nhiên, dựa trên số liệu hải quan Ấn Độ, ông Vakulenko nhận thấy các nhà nhập khẩu dầu của nước này trả cho dầu thô Nga mức giá gần tương tự như giá dầu Brent. New York Times cũng phân tích những số liệu đó và rút ra kết quả tương tự. Ông Vakulenko cho rằng có thể lý giải điều này là ít nhất một phần của số tiền chiết khấu lớn đối với giá dầu Urals đã rơi vào túi các công ty xuất khẩu dầu của Nga và các nhà trung gian - những người sau đó bán dầu với mức giá cao hơn cho khách mua ở Ấn Độ.
Phần doanh thu chênh lệch này không được cộng dồn trực tiếp vào doanh thu tính thuế để nộp cho Chính phủ Nga – theo chuyên gia Tatiana Mitrova thuộc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, Đại học Columbia. Nhưng do một số công ty xuất khẩu dầu lửa Nga có mối quan hệ thân cận với điện Kremlin, một phần tiền đó vẫn có thể chảy vào quốc khố, bà Mitrova nói. “Đó là một hộp đen ngân quỹ”, bà phát biểu.
ĐIỀU GÌ SẼ QUYẾT ĐỊNH GIÁ DẦU NGA?
Giới chuyên gia nhất trí rằng trong dài hạn, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga sẽ được quyết định bởi các lực lượng kinh tế toàn cầu, thay vì bởi lệnh trừng phạt của phương Tây hay việc Nga “lách” sự trừng phạt đó như thế nào. Họ nói giá dầu thế giới vẫn sẽ là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với việc điện Kremlin sẽ thu được bao nhiêu từ mỗi thùng dầu thô xuất khẩu, cho dù các giao dịch dầu Nga ngày càng trở nên âm thầm hơn.
Trong khi đó, giá dầu sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như thế nào sau khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch hà khắc. Trong tháng 12, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt kỷ lục 16,3 triệu thùng/ngày, theo ước tính của công ty theo dõi vận tải năng lượng đường biển Kpler. Nếu xu hướng này tiếp tục, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ trở nên bị thắt chặt và Nga sẽ hưởng lợi.
Về phần mình, OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đang tiếp tục duy trì chính sách hạn chế sản lượng. Chưa kể, từ tháng 3 tới, Nga sẽ giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày.
Theo nhà phân tích Felix Todd của Argus Media, sau một năm ứng phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga có vẻ như đang “hấp thụ” tốt những ảnh hưởng tức thì của sự trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí nước này. Giới chuyên gia cũng cho rằng Nga có thể bù đắp cho bất kỳ sự giảm sút nguồn thu từ xuất khẩu dầu nào trong mấy năm tới bằng cách dựa vào Quỹ Thịnh vượng Quốc gia (NWF) với quy mô hiện vào khoảng 150 tỷ USD nhờ lợi nhuận bất thường từ xuất khẩu năng lượng.