Ngành dệt may, da giày đón tin vui nhưng...
Theo Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, tuy có đơn hàng nhưng doanh nghiệp dệt may gặp một số khó khăn như chi phí tăng cao, đặc biệt khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Chuỗi bốn triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Dệt và May Việt Nam, triển lãm quốc tế phụ liệu Dệt và May Việt Nam, triển lãm quốc tế công nghiệp Nhuộm và Hóa chất Việt Nam, triển lãm quốc tế máy móc và nguyên liệu Giày dép Việt Nam đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP.HCM. Chuỗi sự kiện do Vinexad (Bộ Công thương), công ty Yorkers Exhibition service Vietnam đồng tổ chức.
Theo ban tổ chức, việc kết hợp các triển lãm trên tạo nên một chuỗi cung ứng toàn diện của các ngành công nghiệp dệt may, da giày, nguyên phụ liệu và công nghiệp nhuộm và hóa chất.
Triển lãm quy tụ gần 400 doanh nghiệp (DN) từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan...
Triển lãm trưng bày các sản phẩm, công nghệ máy móc tiên tiến trong vải, sợi và phụ liệu, các giải pháp dệt may toàn diện; Hướng tới các công nghệ số hóa nhà máy, thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam đáp ứng nhu cầu xanh của thị trường.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, những tháng cuối năm 2024 ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại 15%-20%. Đây là tín hiệu vui với DN dệt may.
"Chuỗi triển lãm năm nay khá lớn với gần 400 DN tham gia là dịp để các DN dệt may Việt Nam kết nối có hiệu quả hơn, hình thành được các chuỗi cung ứng"-ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, tuy có đơn hàng nhưng DN dệt may gặp một số khó khăn như chi phí tăng cao, đặc biệt khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Vì vậy, để hiệu quả, ổn định hơn cho năm 2025 các DN dệt may cần có sự kết nối giữa nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cùng với nhà sản xuất và thị trường xuất khẩu
Ông Hồng cho biết thêm, thời điểm này cơ bản các DN dệt may có kế hoạch sản xuất đến tháng 12 và đang chuẩn bị cho năm 2025 nhưng có nhiều việc DN dệt may phải làm. Chẳng hạn DN đầu tư máy móc thiết bị, nguồn nguyên phụ liệu, đặc biệt là chăm sóc tốt cho đội ngũ người lao động.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da Giày TP.HCM cho biết, những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu giày dép của DN TP.HCM nói riêng là có đơn hàng nhưng không nhiều.
Bên cạnh đó, DN da giày hiện nay chủ yếu làm gia công nên không lo đầu ra. Tuy nhiên, giá nguyên phụ liệu tăng, lương người lao động đã tăng trong khi giá hàng gia công không tăng, DN rất khó khăn.
Theo ông Khánh, một số DN có đơn hàng đang ổn định tới tháng 9,10, 11. Một số ít DN da giày có đơn hàng đến quý I-2025.
Thông tin từ Bộ Công thương, thị trường giày dép toàn cầu ước đạt 440 tỉ USD vào năm 2026.
Việt Nam đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ về sản xuất và thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỉ USD năm 2023. Năm nay Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26-27 tỉ USD.
Trong tám tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,32 tỉ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-det-may-da-giay-don-tin-vui-nhung-post812220.html