Ngành dệt may mong chờ cú huých từ những tháng cuối năm

Từ đầu tháng 6 đến nay, ngành dệt may của tỉnh Lâm Đồng chịu tổn thất khá nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã ngừng hoạt động hoặc chỉ giữ được 30% công suất. Hiện, các DN dệt may hy vọng quý IV năm 2021, dịch bệnh được kiểm soát tốt để hoàn tất và nhận thêm đơn hàng mới phục vụ cho nhu cầu thị trường vào dịp lễ, tết, cuối năm.

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cho công nhân quay trở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Đồng thời, tăng tốc sản xuất để bù lại sản lượng đã mất trong quý III

Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cho công nhân quay trở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Đồng thời, tăng tốc sản xuất để bù lại sản lượng đã mất trong quý III

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu dệt may toàn tỉnh ước đạt giá trị 7,6 triệu USD, tăng 12,93% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ và một số nước khác. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt giá trị 63,02 triệu USD, tăng 35,42% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào ngành dệt may của tỉnh Lâm Đồng lại gặp nhiều khó khăn như trong thời điểm quý III năm 2021. Bắt đầu từ cuối tháng 6/2021, khi đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng và lây lan với tốc độ nhanh tại các tỉnh, thành phía Nam, kéo theo nhiều nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ duy trì được 20-30% lao động để hoàn thành các đơn hàng gấp. Ngay lập tức, ngành dệt may của Lâm Đồng cũng chịu tác động mạnh.

Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần May An Thái (TP Bảo Lộc) cho biết: Kể từ ngày 23/8 đến nay, công ty buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do UBND tỉnh quy định. Điều này dẫn đến nhiều đơn hàng của đối tác trong nước, nước ngoài phải kéo dài thời gian thực hiện hoặc phải hủy. Bản thân DN dệt may bị thiệt đơn, thiệt kép nhưng đành phải chấp nhận. Bởi, nếu DN cố gắng duy trì tổ chức sản xuất trong bối cảnh không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 thì sẽ rất nguy hiểm.

Theo ông Sơn, ngành dệt may có đặc điểm là sử dụng nhiều lao động, riêng Công ty Cổ phần May An Thái hiện đang có hơn 400 công nhân. Do đó, DN rất nặng gánh trong việc chăm lo, trả lương để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều DN lo lắng nhất hiện nay mà là sức ép do thiếu đơn hàng, hoặc đơn hàng nhỏ giọt trong thời gian đến.

Đối với Công ty Cổ phần May An Thái, các sản phẩm may mặc chủ lực của DN là mặt hàng áo đầm, đầm dạ hội chuyên phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ. Thông thường, thời điểm quý III hằng năm là thời điểm các DN chạy đơn hàng cho các dịp cao điểm như Noel, dịp lễ cuối năm và đầu năm mới. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Điều này đã buộc nhiều đối tác, khách hàng tại nước ngoài phải quay lưng với doanh nghiệp để chuyển sang các đối tác khác đến từ vùng không có dịch.

Tương tự, tại Công ty TNHH Sợi Đà Lạt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty trong quý III cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Hành chính - Nhân sự công ty cho biết: Trong tháng 7, công ty xuất hiện các trường hợp cán bộ, công nhân viên bị dương tính với COVID-19. Điều này khiến công ty phải tạm dừng hoạt động sản xuất đột ngột để thực hiện công tác truy vết, khoanh vùng để dập dịch. Bên cạnh đó, nhiều đối tác cũng đã hủy các đơn hàng. Một số khác thì đặt hàng với số lượng giảm mạnh chỉ còn 30 - 50%, chờ theo dõi diễn biến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, để hoàn thành các đơn hàng, kịp thời xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký với đối tác trong quý II, từ ngày 12/9, ngay sau khi đáp ứng các điều kiện an toàn về sản xuất, công ty đã cho hơn 200 công nhân quay trở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, bản thân công ty nói riêng và các DN dệt may trong tỉnh nói chung vẫn đang lo lắng, vì tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động trong các nhà máy còn rất thấp. Nếu người lao động không được tiêm vắc xin sẽ không đảm bảo để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Theo các DN dệt may ở Lâm Đồng, thời điểm quý IV năm 2021 sẽ là lúc ghi nhận hoạt động xuất khẩu ngành dệt may chịu ảnh hưởng mạnh vì đa số các nhà máy đang hoạt động cầm chừng trước đó. Vì vậy, DN trông đợi vào 3 tháng cuối năm các tỉnh, thành phía Nam khống chế được dịch bệnh, kinh tế khơi thông để hoàn tất những đơn hàng đã ký kết và nhận thêm đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm tới.

Ông Nguyễn Viết Sơn cho hay: Từ đầu năm 2021 đến nay, đầu ra cho sản phẩm dệt may của công ty rất thuận lợi. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, DN buộc phải chấp nhận mất đơn hàng và thị trường quý IV/2021. Nhưng với năng lực khai thác khách hàng được công ty duy trì tốt trong những năm qua, chúng tôi đang hy vọng trong những tháng cuối năm 2021, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, giao thương trở lại bình thường, tạo tiền đề để DN khôi phục lại sản xuất, ký thêm nhiều đơn hàng mới và tăng tốc sản xuất để bù lại cho tháng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/nganh-det-may-mong-cho-cu-huych-tu-nhung-thang-cuoi-nam-3080311/