Ngành dệt may Việt Nam hướng đến phát triển xanh, bền vững
Ngày 25/9, 4 triển lãm chuyên ngành dệt may đã được khai mạc tại TP Hồ Chí Minh, trưng bày những giải pháp công nghệ mới nhất trong ngành dệt may trên thế giới, giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận được công nghệ hiện đại, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt của EU để hướng đến phát triển xanh.
Bốn triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may gồm: Triển lãm quốc tế về Máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may Việt Nam (VTG 2024); Triển lãm quốc tế Phụ liệu dệt và may Việt Nam (VITATEX); Triển lãm quốc tế Công nghiệp nhuộm và hóa chất Việt Nam (DYECHEM) và Triển lãm quốc tế máy móc và nguyên liệu giày dép Việt Nam (VFM) đã được khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh.
Bốn triển lãm trên quy tụ hơn 380 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam… với diện tích trưng bày sản phẩm hơn 15.000 m2.
Ông Phạm Đăng Khánh, đại diện Ban tổ chức 4 triển lãm trên cho biết, các triển lãm chuyên ngành dệt may được khai mạc tại TP Hồ Chí Minh tập trung trưng bày những tiến bộ, giải pháp công nghệ mới nhất trong ngành dệt may trên thế giới, giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận được công nghệ hiện đại, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nghiêm ngặt của EU để hướng đến phát triển xanh, bền vững. Tham gia triển lãm, các doanh nghiệp Việt có thể mở rộng thêm cơ hội trao đổi chuyên môn, giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trong hành trình hiện hại hóa và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ triển lãm, từ ngày 25 - 27/9, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các hội thảo về những chủ đề quan trọng như tiến bộ công nghệ, tự động hóa và tính bền vững trong ngành dệt may Việt Nam... Nội dung các cuộc thảo luận xoay quanh những vấn đề, giải pháp để nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng kinh tế của Việt Nam đối với ngành giày dép; cung cấp các chiến lược nâng cao giá trị ngành thông qua việc phát triển các chuỗi cung ứng vải có tác động cao....
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), tính hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 28 tỷ USD, tăng 6 % so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Hiện tại, thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%, đứng đầu ở thị phần Mỹ; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%.
Bốn triển lãm trên sẽ diễn ra trong 3 ngày từ nay đến hết ngày 28/9/2024.