Ngành dịch vụ vận tải: Chao đảo trong 'cơn bão' COVID-19
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ngay thời điểm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021 đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp vận tải sụt giảm nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu tình trạng này vẫn duy trì trong thời gian tới nếu không có những chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý.
Liên tiếp chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19
Dù chưa có thống kê chính thức về những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra trong những tháng cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách từ đường bộ, đường sắt, hàng không đều chứng kiến lượng khách di chuyển sụt giảm chưa từng có.
Lái xe Hà Đức Toản chạy tuyến Tam Dương (Vĩnh Phúc) - Mỹ Đình chia sẻ, chưa có năm nào mà lượng khách đi xe lại ít như năm nay, những ngày bắt đầu cũng như kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán các chuyến xe đi đã thừa rất nhiều ghế. Thậm chí có những chuyến khi xe xuất bến chỉ có vài ba người, có chuyến chỉ đón được hơn chục người, không đủ tiền xăng dầu và các chi phí khác.
Doanh nghiệp vận tải chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đúng thời điểm Tết Nguyên đán và cần những giải pháp hỗ trợ đủ mạnh để 'vượt khó'. Ảnh minh họa
Đặc biệt là dịch vụ cho thuê xe hợp đồng du lịch vốn nhộn nhịp và sôi động nhất dịp đầu năm khi nhu cầu đi du lịch, lễ chùa đầu năm của người dân tăng cao. Tuy nhiên năm nay do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp khiến các hoạt động tín ngưỡng, hội hè của nhân dân gần như đình trệ.
Theo ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), do không có khách đi nên từ đầu năm 2021 đến nay, từ 20 lượt xe xuất bến mỗi ngày, hiện nhà xe này chỉ duy trì 5 lượt xe/ngày. Không chỉ vận tải tuyến cố định thiệt hại mà mảng xe du lịch của đơn vị còn bết bát hơn.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, Giám đốc Công ty liên doanh quốc tế DNT Nguyễn Thị Ngần bộc bạch, hiện đơn vị có 22 đầu xe phục vụ hoạt động cho thuê hợp đồng du lịch. Những năm trước, với số lượng xe trên cũng không đáp ứng hết nhu cầu di chuyển của người dân. Nhưng năm nay hầu hết xe phải nằm yên ở bãi do không có khách di chuyển.
Nguồn thu không có nhưng những chi phí bến bãi, nhân công, nợ ngân hàng,... mỗi tháng đều phải chi trả bình thường khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể đứng vững được nếu tình trạng này vẫn duy trì trong thời gian tới mà không có những chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý.
Không chỉ đường bộ mà ngành đường sắt cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, doanh thu trong năm 2020 của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong đợt vận tải Tết Nguyên đán vừa qua khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trở lại tại Hải Dương và một số tỉnh phía Bắc thì lượng hành khách có nhu cầu trả vé tăng cao khiến ngành đường sắt gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng, doanh thu chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành hàng không, thống kê trong thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán Tân Sửu, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam chỉ đạt 9.500 lần hạ cất cánh (giảm 43,4%) và đạt hơn 815.000 hành khách (giảm 66,6%).
Các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển được 408.000 khách (giảm gần 65%) và 2.000 tấn hàng hóa (giảm hơn 54%) so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.
Theo Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), sản lượng điều hành bay trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu từ ngày 10 - 16/2 (tức ngày 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng) là 6.330 chuyến; chỉ bằng 29,53% so với cùng kỳ năm 2020.
Bến xe vắng vẻ trong đợt cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cần “phao cứu sinh” kịp thời
Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã khiến một chuỗi dây chuyền tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm, giao thương bị đình trệ. Nó khiến nhu cầu vận chuyển giảm đáng kể và khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lệ thuộc quá lớn vào các ngành nghề khác, doanh thu không có; các chi phí duy trì hoạt động, lãi ngân hàng,... vẫn phải trả như bình thường.
Ðặc biệt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành giao thông vận tải phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch và vận tải hành khách. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng rõ rệt.
Nếu không được hỗ trợ, hoạt động vận tải sẽ khó có thể vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh trong bối cảnh sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa nghiêm trọng như hiện nay. Vì vậy trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải với vai trò và trách nhiệm của mình cần đưa ra những đề xuất, giải pháp để “gỡ khó” cho các doanh nghiệp vận tải.
Vắng khách đi tàu, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đã phải quyết định dừng chạy hàng loạt mác tàu tăng cường sau Tết. Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dịch Covid-19 khiến các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách bị ảnh hưởng rõ rệt. Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa của các chuyên ngành vận tải Hàng không, Hàng hải, Đường bộ, Đường sắt, Đường thủy nội địa đều giảm sâu.
Để hạn chế những thiệt hại bởi dịch bệnh, trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics. Thực thi những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước.