Ngành điện hạn chế thu tiền mặt
Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tích cực thực hiện. Công ty Điện lực Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đang trong giai đoạn gắng sức nhằm đạt được mục tiêu đề ra: hạn chế sử dụng tiền mặt trong thu nộp tiền điện, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt.
Thanh toán tiền điện không tiền mặt: Khó khăn
Ông Nguyễn Mậu Thế, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đức Trọng cho biết, theo khảo sát của phòng, số lượng khách hàng sử dụng điện đang áp dụng các biện pháp thanh toán tiền điện không tiền mặt chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng khách hàng. Những khách hàng áp dụng chủ yếu là các công ty, các doanh nghiệp, cán bộ, công chức…; còn đa số khách hàng vẫn chưa áp dụng các biện pháp thanh toán tiền điện không tiền mặt. Đặc biệt, ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đạ Quyn, Tà Hine, lượng khách hàng sử dụng điện áp dụng biện pháp thanh toán không tiền mặt chiếm tỷ lệ rất ít. Ông Thế đánh giá, muốn tăng lượng khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, cần đồng bộ cả hệ thống, từ ngành điện, hạ tầng thanh toán như ngân hàng, điểm ATM, đồng bộ giao dịch cũng như tuyên truyền rộng rãi để khách hàng hình thành ý thức giảm sử dụng tiền mặt, không chỉ trong thanh toán tiền điện mà trong nhiều giao dịch khác trong đời sống.
Tương tự huyện Đức Trọng, bà Liêng Hót Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt cho biết, xã có hơn 1 ngàn khách hàng sử dụng điện nhưng lượng người sử dụng các biện pháp thanh toán không tiền mặt “đếm không hết 10 đầu ngón tay”, bà Thắm cung cấp. Theo bà Thắm, ở Tà Nung không có chi nhánh ngân hàng, không có điểm ATM, việc chi trả lương cũng như chi tiêu hoàn toàn bằng tiền mặt nên đòi hỏi thanh toán tiền điện không tiền mặt là rất khó khăn.
Thông tin từ Công ty Điện lực Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt cho biết, toàn tỉnh có trên 400 ngàn khách hàng sử dụng điện.
Thu tiền điện ở điểm thu tập trung
Không chỉ thúc đẩy khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, ngành điện đang phối hợp cùng UBND tỉnh triển khai hoạt động thí điểm “Điểm thu tiền điện lưu động”. Theo đó, vào các ngày cố định trong tháng và tại các điểm thu cố định, khách hàng sẽ nộp tiền điện cho các đại lý thu tiền điện của Công ty Điện lực Lâm Đồng. Thực hiện theo Công văn số 6330/UBND-MT ngày 28/9/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Chấp thuận cho Công ty Điện lực Lâm Đồng triển khai thực hiện việc thu tiền điện qua hình thức thanh toán điện tử, ngân hàng, tổ chức trung gian; từng bước tiến tới chấm dứt hình thức thu tiền điện trực tiếp tại nhà trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thực tế tại điểm thu tập trung ở UBND xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, sau khi triển khai từ tháng 3/2020, hiện có khoảng 50% lượng khách hàng nộp tiền tại điểm thu lưu động. Bà Liêng Hót Hồng Thắm cho biết, với đặc thù vùng đông khách hàng người dân tộc thiểu số, trước ngày thu từ 1-2 ngày, xã cho xe ô tô di động đi tuyên truyền tại các trục đường chính, nhắc nhở người sử dụng điện đến điểm thu đóng tiền. Việc nhắc nhở tạo hiệu quả tốt, ban đầu lượng khách hàng tới nộp rất ít, nay bà con đã dần hình thành ý thức tới điểm thu nộp vào đúng ngày.
Tuy nhiên, tại một số điểm thu khác như ở Phường 8 - thành phố Đà Lạt, đại lý cho biết lượng người tới điểm thu lưu động thanh toán tiền điện còn thấp. Công ty Điện lực Lâm Đồng cũng thông tin, toàn tỉnh có 550 điểm thu lưu động, thường đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, một số cửa hàng tạp hóa, cửa hàng dịch vụ viễn thông, ngân hàng. Có điểm thu theo ngày quy định, có điểm thu thường xuyên. Ngành điện đang cố gắng tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán lập kế hoạch và triển khai các điểm thu tiền điện trên địa bàn, phấn đấu tăng số khách hàng thanh toán qua điểm giao dịch của ngân hàng, trung gian thanh toán hoặc qua hình thức thanh toán điện tử. Hoạt động tuyên truyền tới rộng rãi khách hàng sẽ là nhiệm vụ thường xuyên để khách hàng đồng hành cùng ngành điện, giảm chi tiêu tiền mặt, hướng tới một xã hội không tiền mặt.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/nganh-dien-han-che-thu-tien-mat-3022130/