Ngành du lịch của Pakistan rung chuyển do biến đổi khí hậu

Pakistan ghi nhận thời tiết càng ngày cực đoan, khi tháng Năm nóng nhất trong vòng 61 năm. Tháng Ba là tháng khô hạn thứ chín kể từ năm 1961. Do thời tiết, mùa xuân thông thường ở Lahore đã bắt đầu có dấu hiệu của mùa hè cao điểm.

Thời tiết nóng đỉnh điểm

“Kế hoạch du lịch của du khách nước ngoài thường khoảng một vài ngày ở khu phố cổ Lahore, mệnh danh là thủ phủ của tỉnh Punjab, đồng thời là thành phố đông dân thứ hai ở Pakistan,” Anh Adil, hướng dẫn viên lâu năm nói với Al Jazeera.

"Một số thậm chí còn đi đến các tỉnh thuộc phía nam của Punjab trước khi quay trở lại phía bắc sau một hoặc hai tuần." Tuy nhiên, năm nay, những vị khách đến vào tháng 4 và thậm chí tháng 3 ưu tiên những điểm du lịch hướng thẳng lên núi, vì nơi đây có khí hậu mát mẻ, trong lành hơn.”

Một cậu bé nhảy xuống kênh để giải nhiệt trong một ngày nắng nóng oi ả ở phía đông thành phố Lahore, Pakistan. Ảnh: Reuters.

Các nhà chức trách Pakistan dự đoán nhiệt độ tại quốc gia này có thể lên tới 9 độ C so với bình thường. Kết quả là, ngành du lịch của Lahore, vốn đã quen với việc tiếp đón một lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ mát cho đến cuối tháng 5 đã bị kém khởi sắc.

Nhiệt độ tăng cao khiến du khách né tránh đến Lahore, họ ngày càng bị thu hút về phía bắc, không chỉ vì thời tiết mát mẻ hơn, mà còn vì các con sông băng tan sớm trong mùa đồng nghĩa với việc các điểm tham quan du lịch mở cửa sớm hơn bình thường.

Khi các tuyến đường như Babusar, Deosai và Khunjerab được thông hành sớm hơn dự kiến, du khách sẽ có thể thưởng ngoạn tại rất nhiều hồ, công viên và các điểm hấp dẫn khác.

"Trước đây chưa từng có thông tin về việc Đèo Khunjerab sẽ mở cửa đón khách vào thời điểm này trong năm." Tuy nhiên, do hiện tượng nóng lên toàn cầu nên mùa du lịch ở các địa điểm phía Bắc đang bắt đầu sớm hơn. Trong khi đó, tôi chỉ có một yêu cầu dẫn khách du lịch đến Lahore vào mùa hè này”, anh Adil giải thích.

Thung lũng Neelam là vùng đất hình cánh cung dài 144 km thuộc vùng đất Azad Kashmir. Thung lũng này tọa lạc ở phía Bắc và Đông Bắc Muzaffarabad (Thủ phủ của tỉnh Azad Kashmir).

Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan và cách biên giới Ấn Độ 25 km (15 dặm), nổi lên như một trung tâm văn hóa trong nhiều thế kỷ, với di sản kiến trúc của người Anh và người Mughals.Tuy nhiên, du khách toàn cầu đến nơi đây khám phá lịch sử phong phú của Lahore đã bị ảnh hưởng bởi hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Thủ phủ của tỉnh Punjab - Lahore - là nơi sinh sống của nhiều người đa dạng về văn hóa, đến từ khắp nơi trên đất nước. Ảnh: Internet.

Nơi đây cũng nổi tiếng với những khu phố cổ tuyệt đẹp. Ảnh: Internet.

Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 vào Hoa Kỳ, nước này đã bị rung chuyển bởi một làn sóng các cuộc tấn công chết người. Sau các hoạt động quân sự lan rộng, một số vùng an ninh đã được khôi phục, kéo theo một lượng khách du lịch đổ về.

"Vào cuối thập kỷ trước, du lịch bắt đầu phát triển ở Pakistan, đặc biệt là ở Lahore." Nhưng sau đó COVID-19 đã bùng nổ, khiến hoạt động du lịch bị đình trệ, ”anh Adil kể.

'Thành phố ô nhiễm nhất'

Tuy nhiên, người ta hay nói “trong cái rủi có cái may”, suốt quãng thời gian dài giãn cách xã hội do Covid-19 hoành hành, bầu trời tại Pakistan quang đãng, trong lành hơn, dường như khiến người ta dần quên đi khung cảnh khói bụi bao trùm, “ôm lấy” một thành phố đầy ắp những nhà máy xí nghiệp, giao thông vận tải trong thời điểm chuyển giao giữa mùa thu và mùa đông.

Được biết, du lịch của nước này bị ảnh hưởng khá nhiều vì phố cổ Lahore trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới tập trung vào tháng 11 và tháng 12.

Chất lượng không khí ở thành phố Lahore cao hơn mức nguy hiểm. (Nguồn: ndtv.com).

Tauqeer Qureshi, cựu Giám đốc Cục Bảo vệ Môi trường của thành phố Punjab, cho biết: “Lahore là một ví dụ điển hình về tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường”.

Trong khi đại dịch Covid-19 gây chấn động ngành du lịch trên toàn thế giới, đây lại là một cú đấm hạ gục khác đối với Pakistan, quốc gia mới bắt đầu hồi phục gần đây. Bất chấp thành công tương đối của đất nước trong việc chống lại COVID-19, dịch bệnh cũng là một lời cảnh tỉnh cho khí hậu của Lahore.

Việc không thực hiện các quy định về môi trường và thiếu chính sách sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các cuộc đấu tranh về môi trường và du lịch của Pakistan. Ảnh: Kunwar Khuldune Shahid/Al Jazeera.

Theo ông Qureshi, việc không thực thi luật môi trường và thiếu chính sách chính trị sẽ tiếp tục làm gia tăng các vấn đề môi trường của Pakistan và kết quả là du lịch của nước này gặp nhiều tai họa.

Theo nhà môi trường Saima Baig, tình trạng khó khăn của phố cổ Lahore khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai vì các chất gây ô nhiễm công nghiệp, đốt tàn dư cây trồng, lò gạch và thùng rác thông thường không được kiểm soát chặt chẽ.

Bà chia sẻ với Al Jazeera: “Tình thế có thể được đảo ngược nếu quốc gia này triển khai các chính sách tốt về môi trường nhằm giảm phát thải các ngành công nghiệp, vận động những người nông dân để ngăn họ đốt ruộng và tìm các giải pháp thay thế, cũng như một chính sách quản lý chất thải hiệu quả”.

“Bảo dưỡng phương tiện và quảng bá xe điện nên là một phần của chính sách khí hậu tổng thể của đất nước. Trong khi năng lượng mặt trời đang được khuyến khích sử dụng, phải xem xét các công nghệ tái tạo khác như năng lượng gió và thậm chí cả năng lượng sóng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, bà tiếp tục nói.

Theo Abid Shaukat, nhân viên quan hệ công chúng của TDCP, những khó khăn về môi trường nhiều mặt ở Lahore đang ảnh hưởng đến việc bán vé cho xe buýt hai tầng, một phần vì thời tiết quá nóng du khách không thể ngồi trên tầng 2 của xe buýt ngắm nhìn vẻ đẹp nơi đây. Phần nữa là vì không khí quá ô nhiễm, nhiều du khách sẽ cảm thấy ngần ngại khi hít thở trong bầu không khí như vậy.

Khách du lịch không còn đi xe buýt lộ thiên ở Lahore khi nhiệt độ tăng cao. Ảnh: Kunwar Khuldune Shahid/ Al Jazeera.

“Chính quyền đang thay thế vùng nông thôn xanh tươi bằng xi măng cốt thép, bê tông hóa quá ngày càng nhiều”, anh tiếp tục hy vọng “Mỗi người Pakistan hãy trồng một cái cây, đất nước cần một cuộc cách mạng xanh. Du lịch, hay bất cứ ngành nào trong nước đều phải thay đổi suy nghĩ, sẽ không thịnh vượng nếu chúng ta không xác định được các ưu tiên ngay lập tức”.

Lê Na (Theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nganh-du-lich-cua-pakistan-rung-chuyen-do-bien-doi-khi-hau-post198090.html