Ngành Du lịch Thái Nguyên nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu lớn

Cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng..., thị trường du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang trở nên sôi động bởi lượng khách và nguồn doanh thu từ du lịch ngày càng khởi sắc.

Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”. Ảnh: M.H

Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc”. Ảnh: M.H

Năm 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đón 6,2 triệu lượt khách, trong đó có 250.000 khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 6.120 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngành Du lịch đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Trong phát triển kinh tế du lịch, Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý là ở khu vực trung tâm vùng Việt Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà nội. Cùng với đó, tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê; trên 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm.

Đặc biệt, nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển du lịch được tỉnh triển khai quyết liệt; các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vục du lịch đồng thuận ủng hộ. Tất cả yếu tố trên tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa ngành Du lịch tỉnh từng bước phát triển xứng tầm.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, cho biết: Trong những năm gần đây, ngành Du lịch tỉnh đã có nhiều đột phá quan trọng cả về lượng khách và doanh thu. Minh chứng năm 2024, Thái Nguyên đón gần 3,5 triệu lượt khách, tăng 39,5% so với năm 2023; tổng doanh thu từ du lịch đạt xấp xỉ 3.100 tỷ đồng, tăng 44,07%. Trong quý I/2025, Thái Nguyên đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2024...

Du khách chèo thuyền trải nghiệm trên hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công). Ảnh: T.L

Du khách chèo thuyền trải nghiệm trên hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công). Ảnh: T.L

Sự nỗ lực vào cuộc trực tiếp của các tổ chức, cá nhân làm du lịch đã làm thay đổi bản đồ du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Nhiều du khách trong nước, quốc tế bắt đầu “đặt vé” đến Thái Nguyên tham quan, trải nghiệm, nhất là vào các dịp cao điểm.

Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao được hình thành, tạo được điểm nhấn thu hút du khách du lịch. Thêm một thông tin vui là từ cuối tháng Tư, một sản phẩm du lịch mới: “Thái Nguyên City tour” chính thức vận hành phục vụ du khách.

Cùng với các hoạt động thông tin truyền truyền, tổ chức lễ hội, chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tăng cường các hoạt động tạo ra sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Năm nay còn có một điểm nhấn quan trọng là nhiều khu, điểm đến của tỉnh tham gia chương trình kích cầu du lịch.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Chương trình kích cầu du lịch được triển khai với mục đích mang lại nhiều lợi ích hơn cho du khách; tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Thái Nguyên đến bạn bè trong nước, quốc tế…

Nhiều sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên tạo sức hút mạnh mẽ với du khách.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên tạo sức hút mạnh mẽ với du khách.

Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch Công ty CP Khách sạn Đông Á (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Kích cầu du lịch là cách lôi cuốn du khách đến với doanh nghiệp. Cách làm của Đông Á là khuyến mại giảm giá sản phẩm nhưng đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ. Chính vì thế, Đông Á thường xuyên phục vụ một lượng khách lớn, riêng khách nước ngoài đặt từ 50 đến 60 phòng/ngày.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 535 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 7 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, 45 khách sạn đạt tiêu chuẩn và 476 cơ sở lưu trú hạng nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Số lượng phòng nghỉ khoảng 7.000 phòng, với gần 10.000 giường.

Vào các kỳ nghỉ cao điểm, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú khách đặt kín phòng. Điều này thể hiện chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đã bước đầu thành công...

Tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty CP Hải Đăng, cho biết: Giảm giá nhưng phải coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ. Như vậy chúng tôi được phục vụ nhiều người hơn, từ đó nâng cao chỉ số tiêu dùng.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên) miễn vé tham quan cho trẻ em dưới 6 tuổi; giảm 50% giá vé tham quan đối với người cao tuổi và người dân tộc thiểu số.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên) miễn vé tham quan cho trẻ em dưới 6 tuổi; giảm 50% giá vé tham quan đối với người cao tuổi và người dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã nhận được đăng ký tham gia gói kích cầu du lịch của 46 đơn vị, gồm: 7 công ty lữ hành, 11 cơ sở lưu trú, 15 cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, 13 khu, điểm du lịch; với các gói kích cầu từ tháng 4 đến tháng 9-2025, tổng giá trị ưu đãi tương đương gần 22,5 tỷ đồng.

Điển hình như: Khu du lịch hồ Núi Cốc đăng ký gói kích cầu dịch vụ vé tham quan và lưu trú với giá trị 12 tỷ đồng; Khách sạn May Plaza đăng ký gói kích cầu du lịch với giá trị 4,5 tỷ đồng; Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân đăng ký gói kích cầu giá trị 1,5 tỷ đồng; Trung tâm sự kiện CROWN đăng ký giảm giá dịch vụ khách sạn và dịch vụ ăn uống, hội nghị, sự kiện với giá trị 1,2 tỷ đồng; Khách sạn Habana đăng ký giảm 20% giá buồng phòng với giá trị gần 1 tỷ đồng; Khách sạn Dạ Hương đăng ký gói kích cầu cho 50 phòng, với giá trị 650 triệu đồng. Trạm dừng nghỉ Hải Đăng đăng ký gói kích cầu với dịch vụ siêu thị và dịch vụ ăn uống với giá trị ưu đãi 600 triệu đồng.

Trong cơ chế thị trường, việc các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch không phải vì mục đích cạnh tranh khách, mà vì sự phát triển chung của ngành Du lịch tỉnh.

Ông Đỗ Trọng Hiệp cho biết thêm: Hiệp hội Du lịch tỉnh coi việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch năm 2025 là hoạt động trọng tâm để thu hút du khách. Với ngành Du lịch, có nhiều khách để phục vụ cũng là cơ hội tăng doanh thu, đồng thời là niềm vui của người làm du lịch...

Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng ban hội viên Câu lạc bộ Lữ hành Unessco Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Travel Hà Nội: Chương trình kích cầu du lịch của Thái Nguyên rất rõ ràng, chúng tôi sẽ giới thiệu, quảng bá và chủ động kết nối đưa du khách đến Thái Nguyên.

Ngành Du lịch tỉnh đang thực sự chuyển mình, bước sang trang mới. Những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch được khai thác, phát huy ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn, từ đó có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, riêng có trên địa bàn tỉnh để chào đón bạn bè bốn phương.

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/du-lich-thai-nguyen/202504/nganh-du-lich-thai-nguyen-no-luc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-lon-af127ec/