Ngành du lịch tụt hậu sau dịch: Vì khủng hoảng nhân lực?

Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam luôn đối mặt với những bất cập như tình trạng thường xuyên thiếu hụt nhân sự chất lượng cao tại nhiều điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, đặc biệt vào mùa cao điểm; hay tình trạng nhân lực tự phát không có chuyên môn, hoạt động trái phép, 'chụp giật';…

Ngành du lịch thiếu hụt nhân sự trầm trọng sau dịch. (Ảnh minh họa)

Ngành du lịch thiếu hụt nhân sự trầm trọng sau dịch. (Ảnh minh họa)

Dù đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch nhưng thực trạng nguồn nhân lực luôn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng vẫn là vấn đề đầy trăn trở với du lịch nước nhà.

“Đỏ mắt” tìm nguồn cung nhân lực du lịch

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ngành du lịch phục hồi và bứt phá. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước dịch, ngành du lịch Việt Nam đã luôn phải trăn trở với “bài toán” nhân lực. Sau dịch COVID-19, do chuỗi cung ứng du lịch bị “đứt gãy” trong nhiều năm, khiến số lượng lớn nhân sự bị mất việc hoặc chuyển hẳn sang việc khác, các doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nhân sự, đặc biệt trong các dịp cao điểm du lịch như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Nhiều nơi tìm đủ mọi cách thu hút người lao động, thậm chí trả lương cao nhưng vẫn không tuyển được, nhất là nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng cao càng khan hiếm hơn.

Theo Hội đồng Lữ hành Thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020 – 2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch toàn cầu. Các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã cảnh báo từ sớm về một cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi sau dịch, theo đó nhiều quốc gia sẽ phải mất thời gian dài để khắc phục tổn thất này. Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm thì quá trình phục hồi nguồn nhân lực sẽ diễn ra chậm, gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và phát triển của ngành du lịch quốc gia đó.

Nhiều chuyên gia trong nước nhận định Việt Nam nằm trong số những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do dịch. Trước đại dịch vào năm 2019, thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, Việt Nam có trên 2,5 triệu lao động du lịch; trong đó có hơn 860.000 nghìn lao động trực tiếp. Trong đó 860.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo.

Tuy nhiên, chỉ trong năm 2021, gần 60% lao động du lịch mất việc làm hoặc bị cắt giảm. Có rất nhiều lao động chuyển nghề có thâm niên nhiều năm, có trình độ đại học hoặc trên đại học,… tức là nhóm lao động có tay nghề, chuyên môn cao.

Báo cáo năm 2022 của Tổng cục Du lịch cũng chỉ rõ, nguồn cung nhân lực du lịch vẫn đang đặt ra một số vấn đề khi chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt đối với nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Việc tuyển dụng nhân lực khá khó khăn vì nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề mới.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, ngành du lịch hiện nay cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Đến năm 2023, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Đáng nói, hằng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000. Như vậy, ngành du lịch nước nhà đang đứng trước áp lực lớn do thiếu hụt nhân sự sau dịch, đồng thời nguồn nhân sự mới đào tạo chưa thể bù đắp cho lượng nhân sự bị mất đi hay nhu cầu tuyển dụng mới trong bối cảnh phục hồi.

Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch, nhất là trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang phục hồi. Chưa kể còn có những hệ lụy khác như các cơ sở kinh doanh du lịch phải bổ sung nhân sự chất lượng thấp, không có chuyên môn hay bằng cấp để đối phó với tình thế; hay tình trạng làm du lịch tự phát, trái phép, “chụp giật” gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương;… Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng lực lượng chất lượng cao, quản trị cấp cao, gây ra sự mất cân đối nhân sự du lịch theo vùng miền khiến nhiều khu vực dù tăng trưởng “nóng” về lượng khách nhưng chất lượng dịch vụ kém đi so với khu vực khác và không ổn định, ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của du khách.

Nhân sự là yếu tố quyết định chất lượng du lịch. (Ảnh minh họa)

Nhân sự là yếu tố quyết định chất lượng du lịch. (Ảnh minh họa)

“Bài toán” nhân lực: Càng giải càng khó

Mặc dù ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch vượt trên 23% so với kế hoạch, ước đạt 495.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến nước ta còn thấp, chỉ khoảng 3,5 triệu lượt, trong khi Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế sớm nhất và thông thoáng nhất trong khu vực ASEAN. Đứng trước các “đối thủ” như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia..., ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về khả năng cạnh tranh, trong đó điểm yếu lớn vẫn nằm ở vấn đề nhân lực.

Theo các chuyên gia, ngay từ năm 2019 và trước đó, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã luôn rơi vào tình trạng “thiếu và yếu”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đã từng thẳng thắn chỉ ra: “Từ xưa đến nay, chỉ ở các khách sạn có một tỷ lệ nhất định nhân lực qua đào tạo, còn nhân lực ở hầu hết các nhà nghỉ, nhà nghỉ cộng đồng đều không qua đào tạo”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng từng nhận định: Khi bắt đầu phục hồi du lịch, khó khăn lớn nhất là việc tập hợp được nhân lực du lịch quay trở lại và phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện bình thường mới. Từ trước dịch đến nay, nhân lực du lịch cũng bộc lộ rất nhiều bất cập như: Phát triển một cách ồ ạt, không có định hướng rõ ràng, không được quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ… Ông Bình bày tỏ thực trạng này đã “phần nào làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam”.

Theo đó, sau khi hoạt động du lịch được mở cửa lại hoàn toàn, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động ổn định công việc mới với nguồn thu nhập cao hơn nên họ không quay lại. Đáng nói, đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về tình trạng nguồn nhân lực du lịch hiện tại để có thể so sánh với tình hình nhân lực du lịch trong khu vực và trên thế giới. Dữ liệu này góp phần giúp cho các nhà quản lý đưa ra định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch nước nhà.

Khi du lịch thế giới phục hồi, du lịch Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về cạnh tranh điểm đến; cùng với đó là cơ hội để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến được du khách quốc tế lựa chọn hàng đầu. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, để thực hiện được điều này cần đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, vững vàng về nghiệp vụ, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030.

Bối cảnh trên đòi hỏi nhiệm vụ đào tạo nghề trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo đó, vấn đề đặt ra trong đào tạo nhân lực du lịch là đảm bảo cơ cấu hợp lý, đủ chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Tuy nhiên, chính lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch cũng gặp nhiều hạn chế, thách thức. Đơn cử, vẫn chưa có các chính sách về khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hay đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nhân lực du lịch…

Trong khi đó, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngày càng cao hơn; ví như phải nhanh chóng kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị cấp cao, tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch, áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý cơ sở lưu trú du lịch,… Những yêu cầu, thách thức này đối với nhiệm vụ đào tạo đều khó thể giải quyết chỉ trong thời gian ngắn, có thể phải mất tới nhiều năm mới hoàn thành được.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nganh-du-lich-tut-hau-sau-dich-vi-khung-hoang-nhan-luc-post467172.html