Ngành du lịch Việt Nam bội thu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Số lượng khách quốc tế tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận mức doanh thu trên nghìn tỷ đồng.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài tận 9 ngày, thời tiết trong quãng thời gian này khá thuận lợi nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhộn nhịp trên hầu khắp các điểm đến du lịch trong cả nước.
Khách du lịch có xu hướng chọn lựa các điểm đến di sản, tâm linh, văn hóa nổi tiếng tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hà Nội, Mũi Né, Hội An và Sa Pa. Ngoài ra, các điểm đến ở vùng núi phía bắc cũng thu hút đông khách phía nam. Xu hướng du lịch tự túc, đi theo nhóm nhỏ và tự đặt dịch vụ tại các điểm đến tiếp tục gia tăng.
Với sự chuẩn bị chu đáo, nhiều địa phương đã thu hút đông đảo lượng khách tham quan. Nổi bật trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 2,1 triệu lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ đô Hà Nội ước đón 1 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quảng Ninh ước đón 969.000 lượt khách; tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.665 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Rịa-Vũng Tàu ước đón 869.433 lượt khách, tăng 27,09% so với cùng kỳ năm 2024; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 558,4 tỷ đồng, tăng 23,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các địa phương như: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Đà Nẵng… cũng đón lượng lớn khách du lịch với mức doanh thu tăng vọt.
Công suất phòng trung bình tại một số điểm đến đạt mức cao trong các ngày cao điểm. Nổi bật là Sapa đạt khoảng 90-95% và Kiên Giang đạt khoảng 73,4%. Ngoài ra, nhiều điểm đến đạt mức khá cao như: Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 65%; Huế ước đạt 63%; Phú Yên ước đạt 62%; Đà Nẵng ước đạt 50%...
Kỳ nghỉ Tết năm nay cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều địa phương. Theo đó, Quảng Ninh ước đón 228.700 lượt khách, Đà Nẵng ước đón hơn 228.000 lượt khách, Quảng Nam ước đón 157.000 lượt, Hà Nội ước đón 142.000 lượt khách, Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 87.358 lượt khách…
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương trong việc làm mới sản phẩm và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Trong dịp này, các đơn vị lữ hành lớn như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Benthanhtourist… đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. Với các chương trình, hình thức khuyến mại hấp dẫn, những sản phẩm này tập trung vào khai thác ưu thế vùng miền, liên kết phát triển theo định hướng “một cung đường, nhiều điểm đến”, đa dạng hóa dịch vụ nhằm tăng doanh thu dịp Tết.
Đáng chú ý, một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong đợt này như: Đà Nẵng đón tàu Crystal Symphony và tàu Silver Dawn đưa 1.800 khách Mỹ, Anh tham quan các điểm đến trong thành phố; Quảng Ninh đón 4 chuyến tàu biển Mediteranea, Celebrity Solstice, Silver Dawn và Crystal Symphony với tổng số 6.000 khách và 4.000 thuyền viên…
Nhìn chung, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi động, lượng khách du lịch tăng cao. Tình hình an ninh trật tự tại các điểm đến ổn định, các đơn vị dịch vụ du lịch tuân thủ việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những tín hiệu tích cực của thị trường du lịch đợt Tết Nguyên đán mở ra nhiều kỳ vọng, tạo đà để du lịch Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong năm 2025.