Ngành dược: Cổ phiếu tốt, có nên mua?
Ngày 15/7 tới, Sở GDCK TP. HCM sẽ công bố định kỳ danh mục quý II2019 của rổ chỉ số VN30. Dữ liệu để lựa chọn rổ mới sẽ được chốt vào ngày 28/6/2019.
Theo nhận định của CTCK Yuanta, nhiều khả năng cổ phiếu BID sẽ trở lại và thay thế cho DHG bị loại khỏi rổ VN30 tới đây do không đủ tiêu chí về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) cũng như điều kiện phụ liên quan tới giá trị vốn hóa trung bình 12 tháng (điều chỉnh theo free-float). Ðây được cho là một trong những yếu tố tác động đến giá cổ phiếu DHG. Mã DHG có 5 phiên liên tiếp đỏ điểm, từ 12/6-18/6. Cũng trong giai đoạn này, TRA cũng có 3 phiên đỏ điểm, IMP sắc đỏ lấn át phiên xanh…
Câu chuyện thanh khoản thấp diễn ra hầu hết cổ phiếu trong cổ phiếu ngành dược
Câu chuyện thanh khoản thấp diễn ra hầu hết cổ phiếu trong cổ phiếu ngành dược. Với các DN đầu ngành như DHG, 1 năm qua, thanh khoản trung bình chỉ khoảng 159.000 cổ phiếu/phiên, PME hơn 8.510 cổ phiếu/phiên, IMP gần 16.000 đơn vị/phiên, TRA hơn 9.000 đơn vị/phiên, DBD hơn 30.200 đơn vị/phiên…
Về bản chất hoạt động kinh doanh, ngành chung tăng trưởng ổn định nhưng không quá hấp dẫn, chưa kể những cổ phiếu dẫn dắt ngành như DHG hiện theo định giá không còn hấp dẫn. Theo đó, dù hoạt động kinh doanh của một số DN trong ngành vẫn đang ổn định, nhưng thanh khoản thấp, khiến các mã ngành dược không mấy thu hút dòng tiền.
Ðại hội đồng cổ đông DHG diễn ra đầu tháng 6/2019 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần 3.943 tỷ đồng, tăng 1,6%; chủ yếu nhờ sự tăng trưởng 12,6% của hàng sản xuất. Chỉ tiêu này dự kiến lớn hơn trung bình ngành (khoảng 8%), được xem là điểm tích cực tại DHG. Ngược lại, doanh thu hàng khác lại dự kiến giảm 46%. Nguyên nhân là năm 2019 trở đi, DHG không còn kinh doanh phân phối hàng cho MSD và Mega, do Công ty phải loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh để được nới room ngoại.
Theo kết quả quý I/2019, doanh thu thuần DHG đạt hơn 767 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng biên lãi gộp vẫn ở mức cao, trên 43,9%. Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, doanh thu dự kiến hầu như không đổi so với cùng kỳ, nên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của DHG chưa có nhiều kỳ vọng bứt phá.
Một yếu tố tác động không mấy tích cực khác của các DN ngành dược là giá nguyên liệu dự kiến vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi tăng trưởng chung của ngành dường như chậm lại và câu chuyện cạnh tranh vẫn khá khốc liệt.
Ở các DN ngành dược khác, TRA và IMP đều có kế hoạch tăng trưởng khá cao trong năm 2019, nhưng góc nhìn chung của các DN và nhà đầu tư đều cảm nhận, đây là những chỉ tiêu thách thức. Với TRA, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.160 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, tăng 30% và cổ tức 30% tiền mặt.
Năm nay, TRA thay đổi chính sách quản lý và bán hàng kênh OTC, đồng thời phát triển hệ thống phân phối và mở rộng thị trường. TRA cho biết, năm 2019 cũng sẽ cố gắng để đạt được tiêu chẩn EU-GMP cho Nhà máy Non-betalactam ở Hưng Yên.
Tại IMP, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.450 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, tăng 14%. Cổ tức từ 15-18% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Ðể thực hiện kế hoạch này, IMP cho biết, sẽ đẩy mạnh kênh phân phối và khai thác hiệu quả hơn các nhà máy.
IMP là doanh nghiệp kiên định đi theo chiến lược sản xuất thuốc chất lượng cao, cạnh tranh với thuốc ngoại trong kênh đấu thầu. Hiện IMP đang sở hữu 2 nhà máy EU-GMP và dự kiến đưa vào hoạt động thêm 1 nhà máy nữa trong năm 2020.
Tương tự như IMP, Công ty Pymepharco (PME) cũng theo đuổi chiến lược sản xuất thuốc chất lượng cao. Hiện PME là doanh nghiệp duy nhất có cả 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU và thêm 1 nhà máy thuốc viên Non-Betalactam theo tiêu chuẩn này, dự kiến sẽ chạy thử trong tháng 7/2019. Năm 2019, PME đặt kế hoạch tăng trưởng khá khả quan, doanh thu thuần 1.910 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng, tăng 4%. Cổ tức 20% bằng tiền mặt.
CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Ðịnh (DBD), Công ty có dòng sản phẩm chủ lực là điều trị ung thư, đã thông qua kế hoạch mở room ngoại lên 49% trong năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của DBD 2019 lại tương đối đi ngang, với doanh thu thuần 1.500 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với 2018.
Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất điều trị ung thư công nghệ cao của DBD đang dần hoàn thiện để đi vào hoạt động trong quý IV/2019. Nhà máy dự kiến đóng góp khoảng 300 tỷ đồng doanh thu/năm khi chạy hết công suất.
Với tính chất như trên, có nên mua cổ phiếu ngành dược? Không có câu trả lời nào chung nhất, bởi chọn lựa đầu tư phụ thuộc rất lớn vào “khẩu vị” rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của mỗi người.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nganh-duoc-co-phieu-tot-co-nen-mua-270162.html