Ngành GD-ĐT huyện Bù Gia Mập linh hoạt giải bài toán học online

Là huyện vùng sâu, biên giới, nhiều nơi chưa có internet, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn rất hạn chế, có khoảng 35% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ngành GD-ĐT huyện Bù Gia Mập đã và đang nỗ lực vượt khó, tìm nhiều giải pháp thích nghi với dạy học trong điều kiện học sinh chưa thể trở lại trường do dịch Covid-19.

Sau hơn 2 tuần kể từ ngày khai giảng, tổ chức dạy học trực tuyến, Trường THCS Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa có 162/440 học sinh toàn trường không có thiết bị học trực tuyến. Em Thị Linh Nhi, lớp 9A3 (ngụ thôn Hai Căn - thôn có 65% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số) được các thầy cô đánh giá là học sinh sáng dạ, tiếp thu nhanh trên lớp. Tuy nhiên, kể từ sau ngày khai giảng đến nay, Linh Nhi không có cơ hội nghe giảng theo hình thức trực tuyến. Bởi gia đình em không có điện thoại thông minh kết nối internet. Hơn 2 tuần của năm học mới đã trôi qua, Linh Nhi đang bị thiệt thòi rất nhiều so với các bạn có cơ hội học tập tốt hơn. Tuy nhiên, Linh Nhi đã nhờ thầy cô và những bạn có điện thoại kết nối internet để học lại kiến thức những ngày qua.

Thầy Trần Văn Huệ, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Phú Nghĩa cùng Bí thư chi bộ thôn Hai Căn Điểu Dé, cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tới nhà Thị Linh Nhi kiểm tra việc tiếp cận kiến thức của em

Thầy Trần Văn Huệ, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Phú Nghĩa cùng Bí thư chi bộ thôn Hai Căn Điểu Dé, cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tới nhà Thị Linh Nhi kiểm tra việc tiếp cận kiến thức của em

Em Lâm Ngọc Trúc, lớp 8A3 cũng không có thiết bị học trực tuyến. Sau khi phụ giúp người lớn làm việc nhà, việc đồng ruộng, Trúc đã tới nhà các bạn trong trường để hỏi bài, cập nhật kiến thức bị bỏ lỡ.

Những ngày qua, thầy Trần Văn Huệ, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Phú Nghĩa cùng nhiều đồng nghiệp đã thường xuyên tới nhà các em để nắm bắt tình hình học tập.“Không có điện thoại, hoặc có điện thoại nhưng sóng wifi, 3G yếu nên việc học của các em không khả quan. Giải pháp hiện nay của nhà trường là giáo viên sẽ hệ thống kiến thức từng môn, photo gửi tới từng nhà các em không có trang thiết bị và sóng yếu để học” - thầy Huệ cho biết.

Trường tiểu học Kim Đồng, xã Phú Nghĩa năm học này có 19 lớp với 487 học sinh, trong đó 367 em là người dân tộc thiểu số. Do chủ động khảo sát tình hình nên ngay sau khai giảng, nhà trường đã tổ chức học trực tuyến cho khoảng 60% học sinh. Những trường hợp không thể tham gia học trực tuyến, giáo viên bộ môn sẽ photo bài giảng, bài tập, chủ động giao, hướng dẫn học sinh để các em không bị sót kiến thức.

Thầy Nguyễn Văn Hứa, chủ nhiệm lớp 3A4, Trường tiểu học Kim Đồng cùng các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bù Gia Mập, Đại đội bộ binh 568, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 thăm hỏi việc học tập, tặng quà cho em Thị Thương

Thầy Nguyễn Văn Hứa, chủ nhiệm lớp 3A4, Trường tiểu học Kim Đồng cùng các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bù Gia Mập, Đại đội bộ binh 568, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 thăm hỏi việc học tập, tặng quà cho em Thị Thương

Gần 50 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa đang được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Ban CHQS huyện Bù Gia Mập, Đại đội bộ binh 568 đỡ đầu. Những đơn vị này thường xuyên đồng hành với chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT huyện hỗ trợ, nâng bước các em đến trường.

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện, sau hơn 2 tuần học kể từ ngày khai giảng, huyện Bù Gia Mập có 8.669/13.738 học sinh từ khối 1 đến khối 9 tham gia học trực tuyến qua các phần mềm, ứng dụng xã hội, đạt 63,10%. Trong đó, học sinh khối 9 có tỷ lệ tham gia học trực tuyến cao nhất, với 875/1.148 em tham gia, chiếm 76,22%; khối 2 và khối 3 có tỷ lệ lần lượt là 54,27%, 57,71%.

Huyện Bù Gia Mập hiện có 7/42 điểm, cơ sở giáo dục không có đường truyền internet; chưa tính tới cả 42 điểm, cơ sở giáo dục được xác định là đường truyền yếu, khiến việc dạy và học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn. Huyện có 4.177/13.759 học sinh cấp 1, 2 không có thiết bị học trực tuyến. Và trong số này, có hơn 600 học sinh thuộc hộ nghèo, trên 400 học sinh thuộc hộ cận nghèo. Trước tình trạng nêu trên, sự linh hoạt của Ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên các trường trên địa bàn huyện rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ, rất cần sự chung tay nhiều hơn nữa của cộng đồng xã hội, để học sinh dù tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Phạm Quang

Phạm Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/127222/nganh-gd-dt-huyen-bu-gia-map-linh-hoat-giai-bai-toan-hoc-online