Ngành GD&ĐT Kiên Giang: Tất cả vì sự nghiệp 'trồng người'
Không ngừng đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, ngành GD&ĐT Kiên Giang bước đầu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022 -2023.
Kết quả đáng khích lệ
Thực hiện chủ đề năm học 2022-2023: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, toàn ngành GD&ĐT Kiên Giang nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm, thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 638 trường học các cấp, với 348.765 học sinh. Trong đó, 317/609 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 52,05%. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học kỳ I, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đơn cử, công tác huy động trẻ đến trường tăng lên: huy động trẻ nhà trẻ đạt 6,61% (tăng 2,61% so với cùng kỳ năm học 2021- 2022); huy động trẻ mẫu giáo dưới 5 tuổi 51,75% (tăng 5,45); huy động trẻ mẫu giáo 05 tuổi ra lớp 99,17% (tăng 0,15); tỷ lệ trẻ mẫu giáo 05 tuổi hoàn thành chương trình hàng năm 98% (tăng 1,61% so với cùng kỳ năm 2021-2022)...
100% cơ sở GDMN triển khai thực hiện tốt Chương trình GDMN mới. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở GDMN đạt hiệu quả tốt (trong đó, có 09 huyện triển khai thực hiện với 55 trường và 330 lớp).
Ở bậc tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang phối hợp với Nhà xuất bản tại thành phố Cần Thơ tập huấn sử dụng tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 cho 600 cán bộ quản lý và giáo viên; tổ chức tập huấn công tác giáo dục hòa nhập cho 120 giáo viên chủ nhiệm có học sinh học hòa nhập.
Ấn tượng, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở bậc trung học. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT chiếm 72,14%, huy động được 2.266 học sinh tốt nghiệp THCS (tỷ lệ 11%) vào học tại các cơ sở đào tạo nghề và tham gia học GDTX.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang chú trọng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Năm 2022, tỉnh có 144/144 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đến nay, 15/15 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.
Nỗ lực hoành thành nhiệm vụ
Ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết, kết quả các bậc học đạt được trong học kỳ 1 trở thành “đòn bẩy” để toàn ngành nỗ lực hơn nữa ở học kỳ 2.
Theo ông Hóa, học kỳ 2, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức an toàn, nghiêm túc các kỳ kiểm tra học kỳ II, thi học sinh giỏi quốc gia và thi tốt nghiệp THPT năm 2023; nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT lên cao hơn năm trước. Tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm.
“ Mỗi cấp học thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ ngành được giao. Bậc tiểu học tiếp tục tổ chức hoạt động chuyên đề “ Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đồng thời, triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” trong cấp học mầm non; thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS năm 2025.
Bậc tiểu học tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Còn trung học thực hiện 2 nhiệm vụ chính: hướng dẫn ôn tập, kiểm tra, đánh giá học kỳ II năm học 2022-2023; hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6, lớp 10 và tuyển sinh các trường Dân tộc nội trú năm học 2023-2024” ông Hóa thông tin.
Trước yêu cầu thời đại mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tập trung triển khai công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Bên cạnh đó, tiếp tục xúc tiến công tác truyền thông; phổ biến rộng rãi các Bản tin cải cách hành chính điện tử của Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành và đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo yêu cầu chung.
Ngoài ra, để đảm bảo các điều kiện hoạt động cho giáo dục. Sở GD&ĐT cũng xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2025-2030. Trong đó, chú trọng tăng cường cơ sở vật chất; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, xuất sắc đối với thư viện các trường phổ thông có đủ điều kiện.