Ngành GD TPHCM đề ra 15 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học mới

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu lãnh đạo thành phố đề ra kế hoạch, giải pháp linh động, phù hợp địa phương với 15 nhiệm vụ trọng tâm.

Hôm nay, ngày 5/9/2024, cùng với hàng chục triệu học sinh các cấp học, các bậc học trong cả nước, hơn 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên sẽ chính thức bước vào năm học mới, năm học 2024 – 2025.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm học mới này, số học sinh của thành phố tăng hơn 24.000 em so với năm học trước, trong đó tăng nhiều nhất là cấp trung học phổ thông (tăng gần 17.000 em) tiếp đó là cấp trung học cơ sở (tăng hơn 7.000 em), rồi tới mầm non, còn cấp tiểu học giảm 6.185 học sinh.

Thành phố có hơn 104.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường tư thục có vốn đầu tư trong nước, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Hồ Tấn Minh, cũng như mọi năm, năm học này, thành phố vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Số học sinh tăng nhiều ở cấp trung học phổ thông là do chênh lệch giữa số học sinh lớp 12 ra trường và số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học lớp 10.

Mỗi năm học, Thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm khoảng 25.000 học sinh, làm cho sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là ở cấp tiểu học). Việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng biên chế, hạn chế phần nào công tác quản lý, chất lượng giảng dạy.

Ngày 5/9, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án, với 413 phòng học mới (trong số đó số phòng học tăng thêm là 359 phòng), với tổng mức đầu tư là 1.970.383 triệu đồng.

 Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Cấp tiểu học vẫn là cấp được tăng thêm nhiều phòng học nhất (203 phòng học), cấp trung học cơ sở có 126 phòng học mới.

Trong năm nay, thành phố dự án sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án, với 476 phòng học mới, trong đó tăng thêm 412 phòng học.

Tính đến hết năm 2023, thành phố đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), ước thực hiện con số này của năm 2024 là 296 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Đối với những khoản thu đầu năm học, về học phí, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh cho hay, từ năm học 2024 -2025, mức thu học phí các cấp học được điều chỉnh bằng mức học phí của năm học 2021 – 2022 theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành.

Sở cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác; thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2024 – 2025 tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên địa bàn.

Như vậy, dựa vào danh mục các khoản thu được quy định, các trường công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu chi cho từng nội dung, đảm bảo đúng nguyên tắc thu đủ, chi đủ và phù hợp với tình hình thực tế.

Các cơ sở giáo dục không được thay đổi tên, phát sinh bất kỳ nội dung thu nào ngoài danh mục, đồng thời phải phát hành biên lai thu tiền, hóa đơn cho học sinh.

Đối với công tác tuyển dụng giáo viên cho toàn ngành: Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngành đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, đã hoàn thành quy trình tuyển dụng trong tháng 8, kịp thời phân công công tác các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ để chuẩn bị năm học mới.

Tính đến hết tháng 7/2024, thành phố có nhu cầu tuyển dụng 3.522 giáo viên, trong đó nhiều nhất là tiểu học, trung học cơ sở, mầm non.

Tính đến hết tháng 8/2024, Sở cũng đã hoàn thành việc tuyển dụng đợt 1 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở là 337 viên chức, trong đó có 263 giáo viên, 74 nhân viên. Có 279 ứng viên trúng tuyển. Hiện các ứng viên đang hoàn thành hồ sơ đúng theo quy định.

Có 11 quận, huyện đang thực hiện quy trình tuyển dụng, sau khi đã được Ủy ban Nhân dân các quận, huyện phê duyệt; 9 quận, huyện, thành phố đang chờ phê duyệt kế hoạch tuyển dụng, còn 2 quận chưa xây dựng kế hoạch do biên chế số lượng người làm việc được giao năm 2024 thiếu, đang chờ bổ sung.

Toàn bộ 100% học sinh tiểu học và trung học của Thành phố Hồ Chí Minh đã có đủ sách giáo khoa đúng theo quy định.

 Đón học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Trương Quyền, Quận 3 nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 (ảnh: V.D)

Đón học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Trương Quyền, Quận 3 nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025 (ảnh: V.D)

Trong năm học mới, Sở sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch, giải pháp linh động phù hợp với đặc thù của địa phương, để thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu trong Kết luận số 91/KL-TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, ban hành Quyết định triển khai kế hoạch nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục, bao gồm 15 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý.

Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030.

Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 – 2030” năm 2024.

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục thường xuyên.

Đồng thời, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên, Tiếp tục xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.

Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Thực hiện tốt các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-gd-tphcm-de-ra-15-nhiem-vu-trong-tam-cua-nganh-giao-duc-trong-nam-hoc-moi-post245304.gd