Ngành giáo dục 34 tỉnh, thành sau sáp nhập: Thêm cơ hội cải thiện cơ sở vật chất

Sau sáp nhập, mô hình chính quyền hai cấp đang được kỳ vọng sẽ trở thành 'chìa khóa' giúp giáo dục địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Học sinh Trường THPT A Trần Hưng Đạo, tỉnh Ninh Bình, được học trong những phòng học khang trang. Ảnh: Đình Tuệ

Học sinh Trường THPT A Trần Hưng Đạo, tỉnh Ninh Bình, được học trong những phòng học khang trang. Ảnh: Đình Tuệ

Các địa phương, trường học có thêm nhiều cơ hội để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tăng cường rà soát

Tại tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT A Trần Hưng Đạo, phường Nam Định cho hay, năm học tới trường có 38 lớp nhưng hiện tại có 36 phòng học. Nhà trường đang tiếp tục báo cáo với lãnh đạo tỉnh để Ban Quản lý dự án tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng thêm 1 dãy phòng học đảm bảo đủ phòng chức năng, bộ môn phục vụ dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

“Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Nam Định (cũ), nhà trường đã xây xong dãy nhà 3 tầng khang trang trước 1/7; các lớp đều có tivi thông minh, bảng trượt, hệ thống âm thanh, ánh sáng đầy đủ; sân khấu chính được lắp màn hình LED cỡ lớn phục vụ các hoạt động của thầy trò. Với hơn 1.700 học sinh năm học tới, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy - học của nhà trường”, ông Phương bày tỏ.

Bà Đặng Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hưng, Ninh Bình) thông tin, ngay sau khi sáp nhập, UBND xã Hải Hưng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiến hành rà soát cơ sở vật chất và lên kế hoạch tu sửa, bổ sung trang thiết bị cần thiết chuẩn bị cho năm học mới 2025 - 2026. Các cán bộ, giáo viên của trường dù nghỉ hè nhưng vẫn tích cực tham gia vì học trò.

“Chúng tôi đã lập tờ trình báo cáo hiện trạng cơ sở vật chất trình lãnh đạo xã; triển khai quét vôi, sửa chữa phòng học đã xuống cấp. Nhà trường căn cứ vào biên bản kiểm kê tài sản nhóm lớp cuối năm học trước để lên kế hoạch mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, công cụ, đồ dùng dạy học cho trẻ ở ba điểm trường từ nguồn ngân sách địa phương”, bà Hường cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Kim Bôi (Kim Bôi, Phú Thọ) chia sẻ, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường xác định rõ hai nhiệm vụ trọng tâm rà soát điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Dù sáp nhập tỉnh nhưng quy mô học sinh của trường năm học tới không biến động nhiều do giữ nguyên tuyến tuyển sinh.

“Nhà trường đang chỉnh trang khuôn viên, biểu bảng, khẩu hiệu; mua bổ sung bàn ghế cho các phòng học, thực hành; sửa chữa, bảo trì tivi các lớp học. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô đang theo học lớp đại học từ xa; rà soát lại đội ngũ giáo viên còn thiếu và báo cáo Phòng Văn hóa - Xã hội UBND xã Kim Bôi để ký hợp đồng làm việc năm học mới”, ông Nguyễn Văn Hoàng trao đổi.

Trao đổi về công tác chuẩn bị cho năm học 2025 - 2026, bà Lê Thị Thùy Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Trong hè, ngành Giáo dục thành phố tiến hành khảo sát, rà soát cơ sở vật chất của các trường. Trường nào đủ điều kiện sẽ thực hiện tiếp việc dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS. Việc bố trí sắp xếp học tập cho con công chức, viên chức ngành Giáo dục 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang khi về Cần Thơ công tác sau sáp nhập, đã được thành phố tổng hợp danh sách và sở hỗ trợ hết mức để cán bộ, công chức yên tâm công tác.

Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới, ông Lê Truyền Thống - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết: Thời gian tới, UBND cấp xã sẽ rà soát, thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với những đơn vị có số lượng học sinh ít hoặc sáp nhập, thành lập các cơ sở giáo dục liên cấp để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị…

 Học sinh sinh hoạt hè tại Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Học sinh sinh hoạt hè tại Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Thích ứng sau sáp nhập

Ông Lê Truyền Thống - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết, cùng với tổ chức lại các đơn vị, ngành Giáo dục quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các đơn vị.

Trước mắt, đã phối hợp với sở Nội vụ có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT về những vấn đề còn khác nhau giữa các văn bản chỉ đạo (ví dụ về thẩm quyền bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó ở các trường mầm non, tiểu học, THCS) cũng như có kế hoạch, phương án tiếp nhận nhân sự từ Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang (cũ), không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành.

TPHCM hiện đã “cán đích” công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2025 - 2026, sớm hơn 2 tháng so với mọi năm, đảm bảo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp từ tháng 7. Trong bối cảnh đó, các địa phương, nhà trường tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo năm học mới diễn ra suôn sẻ.

Cụ thể, ngoài thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp, đáp ứng nhu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018… dịp hè 2025 các quận, huyện (trước khi sáp nhập) đã cấp kinh phí để sửa chữa, cải tạo lại cơ sở vật chất, khuôn viên các nhà trường.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (Cát Lái, TPHCM), năm học 2025 - 2026, nhà trường có 474 học sinh lớp 6 trong khi đó có 343 học sinh lớp 9 ra trường.

Dù học sinh tăng lên nhưng nhà trường vẫn chủ động bố trí cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo đủ chỗ học. Đặc biệt, ngay từ học kỳ II năm học 2024 - 2025 nhà trường đã rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xác định nhu cầu xây dựng, sửa chữa, bổ sung.

Trước đó, nhà trường được UBND TP Thủ Đức (cũ) phê duyệt hạng mục cải tạo nhà vệ sinh học sinh khối lớp học chính và khối nhà văn phòng. Trong đó, trường thay nền gạch, ốp gạch tường vệ sinh, tháo dỡ, thay thế một số thiết bị, đường ống và phụ kiện vệ sinh bị hư hỏng, dỡ trần, thay mới trần thạch cao hỏng, cửa vệ sinh, đèn chiếu sáng, dây dẫn điện và phụ kiện điện đã hỏng...

“Công tác sửa chữa, cải tạo sẽ được hoàn tất trong dịp hè để sẵn sàng cho năm học mới. Đặc biệt, việc thực hiện chính quyền 2 cấp từ đầu tháng 7/2025 chắc chắn sẽ giúp các trường thuận lợi trong việc chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Nhà trường hy vọng thời gian tới chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cây xanh cũng như công tác y tế học đường… trong năm học mới và các năm tiếp theo”, bà Hiếu cho hay.

Bà Bùi Thị Thanh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS 915 Gia Sàng (Gia Sàng, Thái Nguyên) cho biết, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể để kịp thời ổn định tổ chức và chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2025 - 2026, trong đó tập trung tu sửa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất.

Cuối năm học trước, trường đã phân công thầy, cô giáo tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất: Mái nhà, hàng rào, tường, nền lớp học; thiết bị dạy học, những hạng mục xuống cấp để bổ sung theo lộ trình ưu tiên. Nhà trường đặc biệt chú trọng nâng cấp các hạng mục nhà vệ sinh, hệ thống điện nước và cảnh quan trường lớp nhằm tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện.

“Sáp nhập địa giới hành chính có thể gây tâm lý lo lắng với một bộ phận người dân. Vì thế, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lưu ý khâu truyền thông nội bộ, tổ chức gặp mặt đầu năm với phụ huynh, chia sẻ thông tin rõ ràng, nhất quán để cha mẹ học sinh yên tâm. Đồng thời, nhà trường lắng nghe ý kiến từ giáo viên, học sinh để điều chỉnh kế hoạch sao cho sát thực tế”, bà Bùi Thị Thanh Hoàn nêu rõ.

Nằm ở địa bàn xã Vũ Quý (Hưng Yên) sau sáp nhập, ông Lại Công Hoan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh cho biết, toàn trường có diện tích 7.455m2 với 21 phòng học và 6 phòng chức năng. Hiện nay, công tác tuyển sinh cho năm học mới đang triển khai, dự kiến trường sẽ tổ chức thành 21 nhóm lớp và huy động tổng số 575 trẻ ra lớp.

Nhà trường tranh thủ thời gian hè để tiến hành sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh, cải tạo quy hoạch lại vườn trường... chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Chi phí sẽ được lấy từ nguồn kinh phí hoạt động của nhà trường và kinh phí sửa chữa do ngân sách Nhà nước cấp.

 Nhà vệ sinh Trường THCS Lương Định Của (Cát Lái, TPHCM) sạch, đẹp sau khi được cải tạo. Ảnh: NTCC

Nhà vệ sinh Trường THCS Lương Định Của (Cát Lái, TPHCM) sạch, đẹp sau khi được cải tạo. Ảnh: NTCC

“Chìa khóa” đổi thay giáo dục

Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Đông Hưng Thuận, TPHCM) cho rằng, việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp tạo ra cơ chế linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc quản lý, chỉ đạo về mặt quản lý hành chính Nhà nước nên sẽ thuận lợi trong việc hỗ trợ các trường học. Đặc biệt, chính quyền cấp phường, xã có thể nhìn rõ nét nguồn lực và nhu cầu của các trường học trên địa bàn.

Điều này cũng giúp cấp phường, xã ưu tiên phân bổ ngân sách, trang thiết bị… giảm thiểu các khâu trung gian, giúp nguồn lực đến với trường học nhanh và trực tiếp hơn, phục vụ việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo trường học. “Điều nhà trường và các cơ sở giáo dục khác mong muốn là chính quyền các cấp cần thực sự vào cuộc, lắng nghe và hành động dựa trên nhu cầu thực tế của từng trường để những kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường được hiện thực hóa tốt nhất”, bà Châu cho hay.

Ngay sau khi hoàn thành sáp nhập, xã Tri Lễ (Lạng Sơn) đã tập trung vào các nhiệm vụ để phát triển kinh tế, xã hội trong đó có giáo dục. Theo đó, xã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn tập trung rà soát lại cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và gửi văn bản để có phương án xây dựng, sửa chữa, mua sắm.

Ông Ngô Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Xã lưu ý các trường phải tập trung rà soát sớm để làm sao trước khai giảng năm học mới cơ sở vật chất đã hoàn thiện, thiết bị dạy học đầy đủ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy”.

Ông Hiền khẳng định, việc thực hiện chính quyền hai cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình quản lý tinh gọn hơn, mua sắm, sửa chữa đầu tư cho giáo dục tốt hơn. Đặc biệt, quy mô xã nhỏ, thời gian đấu thầu mua sắm, sửa chữa không qua nhiều cấp thẩm quyền phê duyệt thuộc xã… nên chắc chắn sẽ giảm khó khăn về thủ tục, thời gian, tạo thuận lợi cho các trường có thiết bị giảng dạy sớm.

“Trước đây, thủ tục hành chính đấu thầu phải qua nhiều cấp nên nhiều khi dẫn đến tình trạng bước vào năm học mới mà nhiều trường chưa có thiết bị giảng dạy, phải dạy chay gần nửa học kỳ, thiết bị mới về tới trường”, ông Hiền nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị Thanh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS 915 Gia Sàng (Gia Sàng, Thái Nguyên) cũng đồng tình với vấn đề trên, đồng thời cho rằng, việc sáp nhập dẫn đến một số thay đổi về quy mô học sinh, cơ cấu các bộ phận trong trường học khi xóa bỏ tổ chức công đoàn cơ sở.

Do đó, nhà trường phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ khoa học, phù hợp với năng lực, bảo đảm nguyên tắc đúng chuyên môn, vị trí việc làm, không gây xáo trộn. Điều này giúp nhà trường chủ động triển khai đồng bộ nhằm thích ứng với giai đoạn mới theo tinh thần không bị động trước thay đổi, biến thay đổi thành cơ hội nâng chất giáo dục.

Khi thực hiện hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải di chuyển từ tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng (cũ) đến trung tâm hành chính mới của TP Cần Thơ làm việc. Kéo theo đó là việc chuyển chỗ học tập cho con em của họ.

Trước yêu cầu này, UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang (cũ) phối hợp Sở GD&ĐT TP Cần Thơ để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện việc chuyển trường, đăng ký nhập học cho con em được thuận lợi, đúng quy định, phù hợp với từng loại hình trường học.

Trước khi sáp nhập, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng (cũ) cũng ban hành văn bản, hướng dẫn đến các đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, đặc biệt là con em của cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ngành trong tỉnh có nhu cầu chuyển trường theo nơi làm việc mới tại TP Cần Thơ.

Nhóm Phóng viên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-34-tinh-thanh-sau-sap-nhap-them-co-hoi-cai-thien-co-so-vat-chat-post740521.html