Ngành Giáo dục - Đào tạo từng bước đảm bảo yêu cầu dạy và học
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các cấp trong tỉnh đã có những chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ nhà giáo tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, từng bước đảm bảo yêu cầu của việc dạy học và tổ chức các hoạt động GD.
So với những ngày đầu lập lại tỉnh chỉ có 5.374 cán bộ, giáo viên (GV) thì đến nay, toàn ngành có hơn 14.800 người, trong đó 2.942 GV mầm non, 8.210 GV phổ thông, 145 GV trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, 173 giảng viên cao đẳng, đại học, 2.108 nhân viên ở các cấp học và 1.271 cán bộ quản lí GD các cấp. Hiện nay, tổng số cán bộ quản lí, GV mầm non và phổ thông đạt chuẩn chiếm tỉ lệ 99,82%. Toàn ngành GD&ĐT có 18 cán bộ quản lí GD, giảng viên, GV có học vị tiến sĩ. Phần lớn nhà giáo có năng lực sư phạm, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Thực hiện Quyết định số 2962 ngày 19/12/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế điều động GV, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp GD công lập, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt việc điều động hàng chục GV, nhân viên của các trường từ nơi thừa đến nơi thiếu. Tính đến ngày 31/7/2019, khối huyện thừa, thiếu cục bộ, cụ thể thừa 53 cán bộ quản lí, 164 GV cấp tiểu học và THCS và 14 nhân viên nhưng thiếu 39 cán bộ quản lí cấp mầm non, tiểu học, THCS, thiếu 239 GV mầm non, 113 GV tiểu học, 49 GV cấp THCS, 143 nhân viên các cấp học từ mầm non đến THCS so với định mức. Khối trực thuộc sở thừa, thiếu cục bộ, thừa 20 GV, 4 nhân viên nhưng thiếu 8 cán bộ quản lí, 77 GV và 22 nhân viên so với định mức. Các địa phương tiến hành tuyển dụng GV, nhân viên cho các trường còn thiếu theo quy định. Để triển khai chương trình, sách giáo khoa ở lớp 1 từ năm học 2020- 2021, nhất là việc bố trí dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương hiện có nhu cầu bổ sung 223 GV cấp tiểu học.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Quảng Trị tích cực tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lí, GV, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Đặc biệt, trước thực trạng ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tình trạng lớp ghép 2, 3 độ tuổi còn nhiều gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học. Tỉ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ vẫn ở mức thấp, nhất là ở địa bàn miền núi. Tỉ lệ học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày tại huyện Hướng Hóa và Đakrông nhìn chung đạt thấp. Tình trạng HS bỏ học còn cao. Năm học 2018-2019, toàn ngành GD&ĐT Quảng Trị tuy giảm 100 em HS bỏ học so với năm học trước nhưng vẫn còn 552 HS bỏ học. Nhiều địa phương thiếu GV, nhất là GV dạy môn Tiếng Anh ở cấp tiểu học tại các đơn vị vùng khó như huyện Đakrông, Hướng Hóa và vùng núi huyện Vĩnh Linh. Chất lượng GD không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng học tập của HS vùng sâu, vùng xa, HS dân tộc thiểu số còn chênh lệch với HS vùng thuận lợi. GD đại trà, một số môn học chất lượng thấp…
Trước thực trạng này, năm học 2019- 2020, ngành GD&ĐT Quảng Trị tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 95 ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về GD&ĐT để ban hành cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT ở địa phương. Chuẩn bị chu đáo tất cả các điều kiện về kế hoạch, đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đảm bảo khoa học, phù hợp với địa phương và hiệu quả đối với người học. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp GD công lập trên địa bàn tỉnh hợp lí, phù hợp với từng vùng, địa phương. Xây dựng phương án tự chủ tiến đến chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập tại một số cơ sở GD mầm non, phổ thông ở địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa huy động mọi nguồn lực đầu tư cho GD; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống trường lớp công lập và ngoài công lập; thực hiện công bằng trong GD.
Ngành GD&ĐT trong tỉnh rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV ở từng môn học, lớp học, cấp học; tiếp tục điều động, luân chuyển GV, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu để đảm bảo cân đối về vị trí việc làm và biên chế đội ngũ, đồng thời tham mưu tuyển dụng đủ GV, nhân viên so với định mức, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là ưu tiên triển khai đối với lớp 1.
Ngành GD&ĐT triển khai việc bồi dưỡng GV để thực hiện chương trình GD phổ thông, sách giáo khoa mới kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn GV, chuẩn hiệu trưởng. Hình thức bồi dưỡng GV là kết hợp bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng. Trong đó các video trao đổi gốc, học liệu gốc sẽ được đưa lên mạng để tất cả các GV đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập. Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm huy động HS trong độ tuổi đến trường. Các đơn vị, trường học trong toàn ngành, nhất là các trường học ở địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền hạn chế đến mức thấp nhất HS bỏ học. Nhà trường đến từng nhà HS bỏ học để vận động các em trở lại trường, phối hợp tìm giải pháp miễn giảm học phí cho HS có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ HS nghèo, không để HS nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143569