Ngành Giáo dục đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Ngành Giáo dục tại các địa phương đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên từ mầm non đến THPT, nhiều nhất là bộ môn tin học, tiếng Anh.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Thực trạng trên được đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề cập khi phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 31/5.
Theo đại biểu, chủ trương của Nhà nước là phát triển kinh tế gắn liền với giáo dục và văn hóa xã hội. Tuy nhiên, thực tế vấn đề này chưa được quan tâm và đầu tư tương xứng.
Đại biểu đoàn Bình Thuận viện dẫn, qua đợt giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho thấy, có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ sở vật chất cho các trường học tiểu học, THCS.
Cùng với đó, tình trạng trường học thiếu trang thiết bị dạy học còn thiếu. Một số bộ môn như: Vật lý, Hóa học, Sinh học…. còn thiếu thiết bị dạy thực hành nên ảnh hưởng đến tiếp thu của học sinh. Tình trạng này càng khó khăn hơn đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025, tuy nhiên theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề án này không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.
Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ lâu, phòng học nhỏ không đảm bảo quy định về diện tích nhưng không có điều kiện tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tại các địa phương còn đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến THPT; nhiều nhất là bộ môn tin học, tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Anh.
Đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chế độ liên quan đến phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Cần có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo…, học sinh có hoàn khó khăn. Qua đó nhằm tạo điều kiện học tập cho các em, nâng cao chất lượng dạy học và trình độ dân trí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, có phương án bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu so với định mức. Bộ GD&ĐT tiếp tục phối với Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế, có phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ giáo viên dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, sửa đổi tăng định mức giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học, THCS, THPT cho phù hợp. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, sửa đổi, bổ sung định mức quy định chuẩn về diện tích phòng học và số học sinh/lớp học phù hợp theo vùng miền.