Ngành giáo dục Ngọc Lặc quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Giáo dục kỹ năng sống (KNS) là yếu tố quan trọng góp phần đổi mới toàn diện giáo dục gắn với mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Ngọc Lặc luôn quan tâm, tăng cường hoạt động giáo dục KNS cho học sinh (HS) thông qua các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc tham gia chương trình Giao lưu Câu lạc bộ em yêu Toán và tiếng Việt.

Nhằm nâng cao KNS cho HS, Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc luôn tạo sân chơi bổ ích với các trò chơi dân gian, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn hóa, xã hội... để HS rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc theo nhóm, từ đó, xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm trong mỗi HS. Được biết, hằng tháng, tùy từng chủ đề khác nhau, Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc đều tổ chức hoạt động ngoại khóa, như: Tổ chức các trò chơi dân gian, thi kể chuyện về Bác Hồ, tìm hiểu an toàn giao thông, giao lưu câu lạc bộ em yêu tiếng Việt, em yêu Toán học, câu lạc bộ dân vũ... Việc làm này vừa giúp các em HS nâng cao kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, giáo dục đạo đức, lối sống, từ đó, các em nêu cao ý thức phấn đấu học tập, rèn luyện. Thầy giáo Hồ Sỹ Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc cho biết: Nhà trường đang triển khai giáo dục KNS cho HS thông qua từng môn học chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ví như, ở các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu mỗi giáo viên tăng cường dạy HS kỹ năng tự phục vụ, bởi ở nhà, các em thường được cha mẹ hoặc anh chị làm thay, cho nên kỹ năng này nhiều em còn yếu. Ðây là những việc tuy đơn giản nhưng nếu các em thiếu kỹ năng có thể làm không tốt, gặp nguy hiểm...

Tương tự, cùng với công tác giáo dục về văn hóa, nhiều năm qua, Trường THCS Kiên Thọ luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác giáo dục KNS cho HS nhằm giúp các em ý thức về trách nhiệm với bản thân, gia đình, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Theo thầy giáo Lê Ngọc Thuật, Hiệu trưởng Trường THCS Kiên Thọ, việc hình thành cho HS kỹ năng giao tiếp cơ bản, kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập và làm việc theo yêu cầu,... sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực của HS, vì vậy, ngoài việc dạy các môn văn hóa, nhà trường đặc biệt chú trọng đến hoạt động giáo dục KNS cho HS và coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình dạy và học. Để việc dạy KNS cho HS đạt hiệu quả, nhà trường đã lồng ghép vào nội dung bài giảng chính khóa ở nhiều môn học, như: Giáo dục công dân, Sinh học, Địa lý,... đồng thời, tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa, như: Nói chuyện về truyền thống quê hương, đất nước, tổ chức các trò chơi dân gian, tuyên truyền về bạo lực học đường, an toàn giao thông... Những việc làm này giúp HS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và nêu cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, giúp đỡ bạn bè... Ví như, trường hợp của em Nguyễn Văn Hoan, HS của nhà trường đã bất chấp hiểm nguy lao mình xuống dòng nước xiết để cứu một HS cùng trường thoát khỏi đuối nước hồi đầu năm 2019.

Thực tế cho thấy, từ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục KNS cho HS, không chỉ Trường THCS Kiên Thọ hay trường tiểu học thị trấn, nhiều năm qua, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đều thực hiện có hiệu quả hoạt động này phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nhà trường, đặc điểm của từng địa phương. Nội dung giáo dục KNS đã và đang được các nhà trường tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tăng cường hoạt động học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, để việc giáo dục KNS cho HS mang lại hiệu quả thực sự, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, cô giáo Phạm Thị Ngân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Lặc cho rằng, các nhà trường cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, như: Chú trọng giáo dục tình thân ái và ứng xử văn hóa; mỗi thầy giáo, cô giáo phải nêu gương trong ứng xử, trong giáo dục nhân cách, không nên xem việc giáo dục KNS cho HS là tạo thêm gánh nặng công việc. Đặc biệt, ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, cần sự quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành của gia đình, tạo môi trường học tập, rèn luyện để các em được phát triển KNS đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Nhà trường và gia đình sẽ là nơi gợi mở, khơi dậy ở các em tinh thần tự giác, trải nghiệm và khám phá... thích nghi với những thay đổi và phát triển của xã hội. Khi các em được trang bị các KNS cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện chắc chắn sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nganh-giao-duc-ngoc-lac-quan-tam-giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh/114176.htm