Ngành giáo dục nỗ lực giảm rác thải nhựa

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang vừa phát động các trường học trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Kế hoạch 06/KH-SGDĐT về việc thực hiện phong trào 'Chống rác thải nhựa' trong ngành GD&ĐT, nhằm góp phần giảm thiểu những tác hại của rác thải nhựa đến sức khỏe con người, môi trường và môi sinh.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Bình Thư, rác thải nhựa đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Theo thống kê gần đây, Việt Nam nằm trong “top 20” quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới và là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về ô nhiễm rác thải biển, với lượng rác thải nhựa ra đại dương từ 0,23 - 0,73 triệu tấn/năm, trong đó 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, chủ yếu do thói quen sử dụng túi ny-lon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Do vậy, để môi trường sống không tiếp tục bị hủy hoại, việc làm cấp thiết là phải thay đổi thói quen của người dân. Việc làm ấy nên bắt đầu đồng loạt từ tất cả các ngành, các cấp. Với ngành GD&ĐT là việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi ny-lon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Học sinh tham gia tuyên truyền giảm rác thải nhựa

Cụ thể, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” đảm bảo phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của địa phương và phải mang lại giá trị thiết thực, hiệu quả. Đó là thực hiện công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên tuyền phổ biến ở đơn vị, thông qua các cuộc họp lệ của các đoàn thể, các buổi họp chi bộ, họp hội đồng trường, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các hoạt động phong trào như hội thi, diễn tiểu phẩm với nội dung “Chống rác thải nhựa”, nguy cơ ô nhiễm nhựa và ny-lon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ny-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh và đồng thời vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”. Cơ sở giáo dục tiến tới việc bố trí thùng chứa rác thải nhựa riêng với các loại rác thải khác trong đơn vị một cách phù hợp để góp phần tích cực cho việc thu gom; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì túi ny-lon. Mặt khác, khuyến khích các căn-tin không buôn bán tại trường các vật dụng chứa thức ăn bằng chất thải nhựa dùng 1 lần.

Khẳng định quyết tâm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trường học ký cam kết với sở thực hiện 5 nội dung cụ thể, chi tiết. Đó cũng là niềm mong đợi có được những quy định chặt chẽ về việc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa của một số cán bộ, giáo viên đã ý thức được tác hại của rác thải nhựa. Cô Nguyễn Thị Tô Châu, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (P. Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Chúng tôi luôn giáo dục các em học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp, xây dựng các đội trực sao đỏ để kiểm tra nhắc nhở nền nếp sinh hoạt của các em học sinh. Đặc biệt, gần đây nhà trường đã ý thức những tác hại của sản phẩm nhựa nên vận động phụ huynh cùng hỗ trợ mua bình nước lọc loại lớn thay thế nước uống bằng chai nhựa nhỏ cho các em. Phụ huynh và học sinh luôn đồng tình hưởng ứng. Đó sẽ là tiền đề tốt để nhà trường nỗ lực hơn nữa trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nganh-giao-duc-no-luc-giam-rac-thai-nhua-a253823.html