Ngành Giáo dục Quảng Bình đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025

Ngành Giáo dục Quảng Bình tiếp tục đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm, dân chủ trong cơ sở giáo dục.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra đánh giá năng lực học sinh thường xuyên.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra đánh giá năng lực học sinh thường xuyên.

Tạo đột phá trong giáo dục tiểu học

Ngày 22/8, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Phát biểu tại hội nghị, bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Những năm qua, toàn ngành có nhiều cố gắng trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Từ đó góp phần thay đổi diện mạo căn bản và toàn diện. Những chuyển biến nói trên nhờ sự đóng góp quan trọng của các cấp, bậc học, trong đó cấp tiểu học (TH) là nền tảng, nền móng vững chắc cho sự phát triển GDPT trong giai đoạn tiếp theo”.

 Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025 tại Quảng Bình.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025 tại Quảng Bình.

Cạnh những kết quả đáng biểu dương, giáo dục TH tỉnh Quảng Bình đối mặt tình trạng thiếu giáo viên nhất là giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Để những kết quả trong năm học 2023-2024 được giữ vững và có bước đột phá, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Về thực hiện Chương trình GDPT, sở yêu cầu bảo đảm an toàn trường học; tăng cường kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình trường học, thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe cho học sinh, giáo viên.

Tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường.

Yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn theo quy định; bố trí thời gian thực hiện chương trình hiệu quả bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; linh hoạt trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế.

Đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định (đặc biệt là giáo viên môn Tin học và Tiếng Anh).

Các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Trong đó, tập trung triển khai thực hiện đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy ở cấp tiểu học thông qua môn Tin học, tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số thông qua tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT.

Thực hiện triển khai chất lượng, hiệu quả học bạ số từ năm học 2024-2025 theo hướng dẫn, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025. Thực hiện chuyển đổi từ học bạ truyền thống sang học bạ số từ lớp 1 đến lớp 5 ở tất cả các cơ sở giáo dục từ năm học 2024-2025.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Ông Hoàng Xuân Linh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch cho biết: Huyện Quảng Trạch đang gặp một số khó khăn như thiếu giáo viên, một số giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn, một số cán bộ quản lý chưa quan tâm bồi dưỡng, giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh.

Để khắc phục tình trạng đó, phòng đã chủ động phối hợp với các trường học bồi dưỡng giáo viên; đẩy mạnh tuyên truyền, động viên giáo viên chủ động nâng cao trình độ học vấn; chỉ đạo cụm chuyên môn lập kế hoạch sinh hoạt, tập trung thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho rằng, phải làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp; chỉ đạo các trường học quy hoạch ngay tại đơn vị; nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tập trung nguồn lực phổ cập giáo dục, ưu tiên vùng sâu vùng xa.

 Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các phòng GD&ĐT đẩy mạnh việc phân cấp trong các cấp quản lí giáo dục; giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu về thực hiện chương trình giáo dục hiện nay.

Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học, lãnh đạo sở yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018; thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng đánh giá năng lực và phẩm chất người học một cách nghiêm túc, sáng tạo.

Thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018

Cùng ngày, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025.

Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Quảng Bình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp. Vì vậy, toàn ngành tập trung nhiều hoạt động nhằm đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

 Ngành giáo dục Quảng Bình hướng đến thực hiện phổ cập GDMN trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.

Ngành giáo dục Quảng Bình hướng đến thực hiện phổ cập GDMN trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.

Ngành cũng đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng sau THCS, THPT. Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 và phát triển đội ngũ giáo viên; đồng thời triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm học, toàn ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện văn hóa học đường gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Sở GD&ĐT Quảng Bình chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình GDPT mới.

Ngoài ra, toàn ngành, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, khảo sát nhu cầu học tập của học sinh lớp 9 để có phương án định hướng phân luồng; đồng thời sắp xếp điểm trường, lớp học hợp lý theo lộ trình.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp, đây cũng là trọng tâm tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2024-2025 diễn ra chiều 22/8.

 Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2024-2025.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2024-2025.

Năm học này, ngành GD&ĐT Quảng Bình sẽ tập trung triển khai nhiều hoạt động như: Hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh, hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số và thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ”.

Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước đối với GDMN và công tác quản lý các hoạt động giáo dục trong cơ sở GDMN; thực hiện tốt quy chế dân chủ, văn hóa nơi công sở; tiếp tục thực hiện công tác quản lí giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình.

Sở GD&ĐT Quảng Bình yêu cầu đẩy mạnh công tác rà soát sắp xếp trường lớp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp; tăng cường đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường hướng đến thực hiện phổ cập GDMN trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, trẻ em theo quy định.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-quang-binh-de-ra-nhieu-nhiem-vu-trong-tam-nam-hoc-2024-2025-post697779.html