Ngành Giáo dục thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Đó là một trong những phương hướng năm học mới mà ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh xác định tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, diễn ra sáng ngày 23/8. Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh... dự hội nghị.
Báo cáo kết quả năm học 2022 - 2023, nhiều chỉ tiêu phát triển GD&ĐT đạt và vượt kế hoạch UBND tỉnh, như: Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi ra lớp; tỷ lệ trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ trẻ 6 - 10 tuổi đi học tiểu học; tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào lớp 6, 11 - 14 tuổi học THCS, 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương; số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các mức độ... Tuy nhiên còn 2 chỉ tiêu chưa đạt là số trường mầm non, phổ thông được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ 15 tuổi học THPT.
Nhìn chung, năm 2022 - 2023 dù ngành GD&ĐT gặp không ít khó khăn, nhất là thiếu cán bộ, giáo viên, nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Việc rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp, học sinh được thực hiện hiệu quả; tổ chức tốt đời sống cho học sinh bán trú. Bộ máy nhân sự các cơ sở giáo dục được sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, phù hợp thực tế. Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; thiết bị, đồ dùng học tập được bổ sung, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Các chế độ chính sách đối với hoc sinh sinh viên được hướng dẫn đầy đủ và thực hiện nghiêm túc...
Năm học mới 2023 - 2024, ngành GD&ĐT Điện Biên xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, toàn ngành thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì vậy ngành đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện cho từng nội dung, khắc phục khó khăn, tồn tại.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường biểu dương những thành tích ngành GD&ĐT đạt được. Đồng thời yêu cầu ngành phát huy những kết quả đạt được, chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Cụ thể, xây dựng khung kế hoạch, thời gian năm học theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho năm học mới; tiếp tục quan tâm sắp xếp, kiện toàn quy mô, mạng lưới trường, lớp học các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với phương pháp mới. Cùng với đó tập trung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, tuyển dụng giáo viên giỏi; kịp thời động viên, chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, nhất là ở vùng cao, biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng, bổ sung quy hoạch Trường Đại học Điện Biên vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2023. Ngay sau khi được bổ sung quy hoạch, tập trung chỉ đạo hoàn tất hồ sơ và các điều kiện cần thiết thành lập trường đại học theo quy định, trình Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thành lập trường Đại học Điện Biên trong năm 2024.
Nhân dịp này, Trường THPT Tủa Chùa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Mường Chà và 7 cá nhân trong ngành được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 4 tập thể 26 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 36 tập thể được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; 11 tập thể, 33 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen...