Ngành giáo dục thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng sau bãi Yagi
Theo Bộ GD&ĐT, thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão ước tính lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.
Sáng 16/9, Bộ GD&ĐT có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đối với ngành giáo dục tại 18/26 tỉnh thành, gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩng Phúc, Yên Bái.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Số liệu báo cáo của các tỉnh tính đến ngày 16/9 cho thấy tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 41.564 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng.
Cụ thể, ngành giáo dục thiệt hại 514,7 tỷ đồng cơ sở vật chất. Trong đó, ngành giáo dục mầm non là 117,6 tỷ đồng; giáo dục tiểu học 139,5 tỷ đồng; THCS 142 tỷ đồng; THPT 115,5 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai thiệt hại về cơ sở vật chất nặng nề nhất với 186.700 triệu đồng, theo sau là tỉnh Hải Dương với 137,8 tỷ đồng, Bắc Giang 61,2 tỷ đồng...
Thiệt hại về trang thiết bị dạy học lên tới 745,8 tỷ đồng. Trong đó, giáo dục mầm non thiệt hại 306,6 tỷ đồng; giáo dục tiểu học 169,5 tỷ đồng; THCS 156 tỷ đồng; THPT 113,6 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh thiệt hại thiết bị dạy học nặng nhất, lên tới 345 tỷ đồng. Tiếp đến là tỉnh Lào Cai với 315,2 tỷ đồng. Một số tỉnh không thiệt hại thiết bị như Điện Biên, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La.
Bậc tiểu học thiệt hại 23.943 bộ sách giáo khoa, THCS 10.598 bộ và THPT là 7.023 bộ. Trong đó, Yên Bái thiệt hại nhiều nhất với 28.681 bộ, Bộ GD&ĐT ước tính kinh phí cần có để mua sách giáo khoa tại tỉnh này là trên 9 tỷ đồng. Các tỉnh không thiệt hại sách giáo khoa gồm Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình.
Trước đó, Bộ GD&ĐT thống kê đến ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, một giáo viên mất tích.
Nhằm khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra, bộ chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.
Các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại thiệt hại về cơ sở vật chất, trường, lớp học tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Bộ cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường.
Miễn, giảm học phí cho sinh viên bị ảnh hưởng
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, Bộ GD&ĐT đánh giá cao tinh thần tương thân, tương ái, tính chủ động trong việc huy động nguồn lực, chung tay cùng cả nước hỗ trợ đồng bào, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão lũ.
Để tiếp tục hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ sớm ổn định việc học tập, bộ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phú hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên.
Các cơ sở giáo dục hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương, đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ học tập.
Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có phương án hỗ trợ sinh viên. Đại học Mở TP.HCM cho biết nhà trường đã trao hơn 300 suất học bổng với tổng trị giá một tỷ đồng cho sinh viên các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt.
Đại học Kinh tế TP.HCM thông báo nhà trường đã triển khai các chương trình học bổng hỗ trợ và giãn thời gian học phí nhằm hỗ trợ sinh viên. Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) hỗ trợ tiền mặt cho 12 gia đình sinh viên với tổng số tiền là 46 triệu đồng...