Ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2023-2024.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Tại Hội nghị giao ban tuần 1 tháng 9 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Thông tấn xã Việt Nam sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguyên nhân dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng lên là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước, tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên.
Cũng trong năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 10.000 giáo viên nghỉ hưu và khoảng 9.000 giáo viên nghỉ việc. Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn...
Năm học 2022- 2023, cả nước tuyển mới được 17.208 giáo viên, đạt 61% so với chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung theo Quyết định 72-QĐ/TW. Bên cạnh đó, toàn quốc còn 74.172 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 - 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tập trung hướng tới củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống giáo viên. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.
Theo đó, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục; hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông như: Thông tư quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; công văn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương về việc dồn dịch điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương. Mục đích nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.
Cung ứng đủ sách giáo khoa
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin, Bộ GD&ĐT đã có 2 văn bản đôn đốc các địa phương phối hợp chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học mới 2023-2024.
Đến ngày 27/8, NXB Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch SGK các lớp 5, 9, 12 theo Chương trình 2000; SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình 2018. Đồng thời, hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản SGK lớp 4, 8, 11 mới phát sinh.
Cho đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ, NXB Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực để in ấn và cung ứng đủ SGK trước ngày khai giảng 5/9.
Đối với Công ty VEPIC (Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam), đến ngày 30/6, đã in và nhập kho đầy đủ 100% số SGK 1, 2, 3, 6, 7, 10 sản lượng dự kiến phát hành; 40% số SGK các lớp 4, 8, 11 sản lượng dự kiến phát hành. Hiện nay, SGK các lớp 4, 8, 11 đã đầy đủ để kịp thời phục vụ năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tới 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục sẽ triển khai trong năm học mới gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh;
Chú trọng công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành Giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng thông tin, năm 2023, tỉ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em. Với quy trình tuyển sinh giữ ổn định như năm 2022 và các cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.