Ngành giáo dục tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục
Với chủ đề của năm học 2023-2024 là 'Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo', toàn ngành giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong năm học mới.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Với chủ đề của năm học 2023-2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, toàn ngành tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận ngành giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 được triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhất là việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục của ngành giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới, trong đó, theo Thủ tướng cần kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo học đường; chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; rà soát việc dạy học môn Giáo dục công dân trong trường phổ thông; có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…
Tại Hội nghị, các đại biểu các đại biểu chia sẻ, đánh giá về những kết quả, cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành giáo dục trong năm học vừa qua.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị các địa phương thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ, thi đua diệt giặc dốt trong thời kỳ mới, xóa mù công nghệ, ngoại ngữ, đồng thời quan tâm đến các thiết chế giáo dục, các cơ sở Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, giúp người lớn tiếp cận với tài nguyên giáo dục mở...
Thứ trưởng Nội Vụ Triệu Văn Cường cho biết, năm học 2023-2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.
PGS,TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp những thách thức rất lớn, hầu hết liên quan tài chính đại học.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an lưu ý về an ninh trật tự trên không gian mạng đối với học sinh, sinh viên, giáo viên... Thượng tướng cũng lưu ý, hiện học sinh, sinh viên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, 2,63%, trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành xử lý sớm những vấn đề phức tạp, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giáo dục.