Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai có 49 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023' là nội dung Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai vừa giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo vào chiều 25-1.
Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Làm việc với đoàn giám sát có ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn có liên quan của Sở GD-ĐT, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, Sở đã xây dựng Đề án vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trực thuộc gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Năm 2018, ngành tiến hành giải thể Ban Giáo dục dân tộc và sáp nhập 4 trường THCS vào trường THPT thành trường THCS và THPT. Từ 2015 đến nay, số lượng các trường phổ thông có cấp THPT cơ bản ổn định.
Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trình Bộ GD-ĐT hồ sơ thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai và đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt chủ trương vào tháng 4-2023. Sở cũng đã trình Đề án sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học tỉnh vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; trình hồ sơ sáp nhập 5 trường THCS thuộc UBND cấp huyện vào trường THPT thành trường THCS và THPT trực thuộc Sở...
Tính đến cuối năm 2023, Sở GD-ĐT có 49 ĐVSNCL trực thuộc (giảm 2 đơn vị so với năm 2017). Hàng năm, Sở GD-ĐT thống nhất với Sở Nội vụ để phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục cho từng đơn vị trực thuộc, phù hợp với quy mô trường lớp trong phạm vi biên chế được giao. Đến thời điểm hiện tại, Trung ương đã quyết định giao bổ sung 3.149 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh tạm dừng việc tuyển dụng đội ngũ nhân viên trường học. Tính đến ngày 31-12-2023, số lượng người làm việc trong ĐVSNCL do ngân sách đảm bảo chi thường xuyên và ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 2.451 biên chế (giảm 228 người so với năm 2017).
Hiện 49/49 đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính (đạt 100%); trong đó, có 1 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 48 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đề xuất Trung ương không tiếp tục cắt giảm biên chế đối với ngành, chỉ thực hiện tinh giản biên chế cho các đối tượng đủ điều kiện theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. Đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư hướng dẫn việc xếp hạng trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; UBND tỉnh xem xét, cho phép tuyển dụng nhân viên trường học (kế toán, văn thư) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động của các cơ sở giáo dục…
Đại diện 3 ĐVSNCL trực thuộc Sở GD-ĐT cũng báo cáo về tình hình hoạt động cùng với một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến chính sách đặc thù của địa phương đối với trường chuyên; tiền công cho lao động hợp đồng làm công tác hỗ trợ, phục vụ và ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú; cơ chế miễn tiền thuê đất đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh…
Sau khi nghe ý kiến của Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc, các thành viên đoàn giám sát đã chia sẻ với những khó khăn chung mà ngành đang gặp phải liên quan đến việc cắt giảm biên chế, sáp nhập các ĐVSNCL... Bên cạnh đó, đoàn cũng tập trung trao đổi, làm rõ hơn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương cho hay, đoàn sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp chung 63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng đối với các kiến nghị, đề xuất, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở GD-ĐT cần cung cấp thêm thông tin để đoàn có đủ cơ sở kiến nghị lên Quốc hội hoặc các bộ, ngành liên quan. Mục tiêu hướng đến là triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW theo đúng lộ trình; tạo điều kiện cho tỉnh trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.