Ngành giáo dục TP Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học
Bên cạnh sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục ngày càng được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Theo đó, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, nhiều năm qua, ngành giáo dục TP Thanh Hóa không ngừng đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Một giờ học sử dụng giáo án điện tử của cô, trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Năm học 2021-2022 Trường Tiểu học Lê Văn Tám phải khai giảng trực tuyến, thời gian tạm nghỉ học để chống dịch kéo dài, việc tổ chức học trực tuyến nhiều, có thời điểm vừa học trực tiếp, vừa học trực tuyến... Tuy nhiên, đây cũng được coi là tiền đề để nhà trường tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra cũng như bảo đảm quá trình dạy học được thông suốt trước tác động của dịch bệnh, nhà trường đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của việc ứng dụng CNTT. Trong đó, đáng chú ý là nhà trường đã đầu tư nâng cấp đường truyền Internet, lắp đặt hệ thống mạng Internet có dây đến tất cả các phòng học; trang bị máy chiếu hoặc tivi thông minh cho 100% lớp học. Đặc biệt, nhà trường cũng như cá nhân nhiều giáo viên đã đầu tư mua sắm 14 máy quay video để giáo viên có thể thực hiện cùng lúc hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh. Đối với mỗi giáo viên luôn nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng và tích cực sử dụng giáo án điện tử, ứng dụng CNTT trong giảng dạy từ đó tạo nên những tiết học hứng thú, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.
Cô giáo Đỗ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: Mặc dù bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thời điểm học sinh phải tạm nghỉ học kéo dài, song với sự vào cuộc tích cực, năng động từ ban giám hiệu cũng như mỗi giáo viên trong việc ứng dụng CNTT nên hoạt động cũng như chất lượng dạy và học của nhà trường vẫn được bảo đảm. Trong năm học 2021-2022, học sinh nhà trường đã tham gia tích cực nhiều cuộc thi và đạt kết quả đáng phấn khởi với 87 giải quốc gia, tăng 76 giải so với năm học trước. Trong đó, có 1 HCV, 6 HCB, 16 HCĐ trong kỳ thi Olympic tiếng Anh Hippo cấp quốc gia; 1 HCV trong cuộc thi “Em vẽ trường học hạnh phúc năm 2021”; 2 giải nhì trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động “Đội mũ xinh – Bảo vệ chúng mình”... Riêng cuộc thi sáng tác tranh cổ động “Đội mũ xinh – Bảo vệ chúng mình” toàn quốc có 836 giải, tỉnh Thanh Hóa có 40 giải thì Trường Tiểu học Lê Văn Tám có 6 giải (2 giải nhì và 4 giải khuyến khích). Đây cũng là thành quả của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập của nhà trường trong những năm qua.
Tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học, quản trị nhà trường cũng đã đem lại hiệu quả to lớn cho việc cải cách giáo dục. Ở trường này, tất cả học sinh, giáo viên đều có một mã định danh riêng trên hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà trường, khi cần có thể truy xuất bất cứ lúc nào. Đối với hoạt động giảng dạy của nhà trường, ngoài 2 phòng học thông minh, tất cả các phòng học đều được trang bị máy chiếu, sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống wifi toàn trường thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin. Riêng phòng học thông minh mang lại kết quả và chất lượng giáo dục rất cao, giúp cho giờ học sinh động, tạo được sự thích thú, hứng khởi học tập của học sinh, giúp cho các hình thức tổ chức dạy học trở nên gọn nhẹ, đơn giản, không cồng kềnh, gắn kết gia tăng tương tác giữa giáo viên và học sinh... Được biết, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám là 1 trong 6 trường của tỉnh được chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh. Để thực hiện mô hình này nhà trường đã được đầu tư 1 phòng học thông minh cấp độ 1 và 6 phòng cấp độ 2, trong đó phòng cấp độ 1 được trang bị máy chủ dành cho giáo viên, 1 bảng tương tác và 35 máy tính dành cho học sinh; 6 phòng cấp độ 2, gồm có 6 bảng tương tác để kết nối với máy tính của giáo viên...
Đối với Trường THCS Điện Biên, từ năm học 2006–2007, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học bằng việc xây dựng phòng máy vi tính kết nối Internet, phòng học có máy chiếu đa năng, đồng thời, khuyến khích giáo viên soạn giáo án điện tử ở các môn, như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Lịch sử... đưa vào giảng dạy. Từ năm học 2013-2014, tất cả các phòng học của nhà trường đều được lắp đặt máy chiếu đa năng, 100% giáo viên ứng dụng giáo án điện tử trong giảng dạy. Bên cạnh nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập, “đón đầu” công nghệ hiện đại nhà trường đã ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ học sinh, theo dõi thời khóa biểu; phối hợp với Viễn thông TP Thanh Hóa triển khai hệ thống gửi tin nhắn đến điện thoại di động cho phụ huynh để thông báo kết quả học tập của con em mình... Qua đó, các bậc phụ huynh có thể nắm bắt được tình hình học tập của con em mình để phối hợp cùng với thầy, cô giáo và nhà trường trong việc quản lý và giáo dục học sinh, thúc đẩy kết nối giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo thầy giáo Lê Thành Đồng, quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, của ngành giáo dục thành phố cũng như tập thể sư phạm mỗi nhà trường, hoạt động ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập ở các trường học đã có nhiều chuyển biến, tác động tích cực và làm thay đổi tư duy, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, giáo viên. Hiện nay, tất cả các lớp học ở cả 3 cấp học trên địa bàn thành phố đều được trang bị máy chiếu hoặc tivi thông minh để phục vụ hoạt động dạy và học. Giáo viên các nhà trường đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong sử dụng giáo án điện tử để làm mới các tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát các nhà trường đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường truyền Internet đến các phòng học nhằm đáp ứng yêu cầu vừa dạy học trực tiếp vừa dạy học trực tuyến khi có yêu cầu. Chính sự chủ động, tích cực trong ứng dụng CNTT của ngành cũng như các đơn vị trường đã góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.