Ngành giáo dục và đào tạo: Đổi mới để nâng cao chất lượng
Con người hay nguồn nhân lực được xem là 'chìa khóa' của mọi sự phát triển. Điều này càng đúng với giáo dục khi muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV). Xác định rõ điều này, ngành giáo dục tỉnh nhà đã tích cực triển khai, đổi mới các chuyên đề, hội thảo, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để CBGV tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020.
Hiện, toàn ngành có hơn 52.000 CBGV và nhân viên. Qua rà soát đánh giá, năm học 2020-2021 tỷ lệ chuẩn, trên chuẩn về trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được nâng lên (đạt chuẩn trở lên 99,97%, trong đó trên chuẩn 76,1%). Bên cạnh đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được coi là yếu tố quan trọng và được ngành đặc biệt quan tâm. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.525 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75,9%. Kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi, PCGD THCS được nâng lên... Đây là những tiền đề để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn điện giáo dục, đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển vững chắc.
Khép lại năm 2020, cùng với việc giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá tiếp tục có nhiều đổi mới. Ngành đã kiên quyết xử lý các vi phạm về quy chế chuyên môn, dạy thêm, học thêm, lạm thu trong trường học...; tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với nhiều thay đổi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã được ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Kết thúc kỳ thi này, tỷ lệ thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp đạt 97,64%; điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,06 điểm, tăng 0,96 điểm so với năm 2019; toàn tỉnh có 11.366 lượt thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở các môn thi; 257 lượt thí sinh đạt điểm 10 ở các môn thi (xếp thứ 6 cả nước). Kết quả này không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ CBGV và học sinh (HS) trong dạy và học, mà còn là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đối với sự nghiệp “trồng người”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, những người quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” vẫn còn băn khoăn, trăn trở. Đó là chất lượng giáo dục tuy được nâng lên, song chưa đồng đều ở các vùng, miền trong tỉnh. Giáo dục khu vực vùng cao biên giới, vùng bãi ngang ven biển, khu vực nông thôn chất lượng còn thấp so với yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm xây dựng, song một số trường học vẫn còn khó khăn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, không đồng bộ về cơ cấu bộ môn chưa được khắc phục triệt để... Điều này đã đặt ra yêu cầu cho ngành giáo dục tỉnh nhà là phải sớm tìm giải pháp khắc phục, nhằm đưa sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển toàn diện. Đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng như yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025.
Có thể thấy, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành giáo dục trong quá trình phát triển. Song, để sự nghiệp “trồng người” đạt được các mục tiêu kỳ vọng, cả trước mắt và lâu dài, thì ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục rất cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và sự đồng thuận của xã hội.