Ngành giáo dục và đào tạo thực hiện lời dạy của Bác Hồ
Sinh thời, mong muốn lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 'nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành', vì thế suốt đời Người đã phấn đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, cho sự tiến bộ của nước nhà.
Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia các môn văn hóa năm học 2018-2019. Ảnh: Phong Sắc
“Ngu dân” là một trong những phương pháp thâm độc mà chế độ thực dân sử dụng để cai trị. Chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ bề lừa dối, bóc lột và đàn áp. Hậu quả của chính sách “ngu dân” mà thực dân Pháp để lại sau hơn 80 năm đô hộ nước ta đó là hơn 90% người Việt Nam mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”, vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước là tiêu diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời phát động một chiến dịch chống nạn mù chữ trong toàn dân, đồng thời xây dựng một chương trình hành động thiết thực nhằm tổ chức lại nền giáo dục nước nhà. Ngày 8-9-1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đó là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV); sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người chỉ rõ trong tình hình hơn 90% nhân dân mù chữ thì nhiệm vụ diệt giặc dốt cũng cấp thiết như diệt giặc đói, giặc ngoại xâm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào diệt giặc dốt nhanh chóng được triển khai. Các lớp BDHV mở ra ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi. Chỉ trong vòng một năm đã có trên 2,5 triệu người biết chữ. Sau 3 năm, có 8 triệu người thoát mù chữ. Ngay trong thời kỳ trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ song Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho phát triển văn hóa, giáo dục, các trường lớp trong nước đã được mở để đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Nhiều thiếu sinh quân được cử đi học ở Trung Quốc, nhiều cán bộ khoa học và quân sự được cử đi Liên Xô, Trung Quốc để đào tạo, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho giai đoạn cách mạng mới. Hòa bình lập lại, hệ thống giáo dục phổ thông phát triển mạnh, số học sinh năm 1960 tăng 80 lần so với năm 1957. Năm 1965, số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần, số sinh viên đại học và trung học tăng 25 lần so với năm 1960; hầu hết các xã đều có trường phổ thông cấp I, cấp II, huyện có trường phổ thông cấp III; có 18 trường đại học với 26.100 sinh viên; đã có 21.332 cán bộ tốt nghiệp đại học và 55.000 cán bộ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.
Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, cùng với nhiều việc làm nhằm khôi phục đất nước sau chiến tranh, hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học, đào tạo trên đại học trong nước được mở rộng; hàng năm có hàng trăm nghiên cứu sinh, thực tập sinh được cử đi nước ngoài học tập trở về cùng với lực lượng được đào tạo trong nước đã góp phần giải quyết thành công những vấn đề khó khăn nảy sinh khi đất nước thống nhất.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, cùng với sự nghiệp đổi mới nói chung, sự nghiệp giáo dục cũng được đổi mới và nâng lên tầm cao mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và là động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước”. Quan điểm này của Đảng ta đã được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục và Luật Khoa học công nghệ. Nhờ vậy, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta đã đạt được thành tựu to lớn. Đến nay, toàn quốc có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Trẻ em trong độ tuổi đều được phổ cập THCS; hầu hết thanh niên học hết THPT; có hơn 400 trường đại học và cao đẳng; gần 20 nghìn tiến sĩ và trên 7 nghìn giáo sư, phó giáo sư; trình độ dân trí đã có bước phát triển vượt bậc. Các trường dạy nghề phát triển mạnh, chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực, bước đầu đã hình thành mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số, gắn dạy nghề với tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo...
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 9-1945, Thanh Hóa đã thành lập Ty Thanh tra tiểu học và Nha BDHV. Các quận, huyện, thôn, xã đều lập Ban BDHV. Phong trào thi đua diệt dốt, BDHV của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Ngày 20-2-1947, trong lần đầu tiên vào thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trao tặng Thanh Hóa 10 vạn đồng để làm quỹ phát triển BDHV. Trong hai năm 1948 - 1949, toàn tỉnh đẩy mạnh thi đua thanh toán nạn mù chữ, phổ biến phong trào BDHV và phát triển các trường phổ thông. Đại hội BDHV tháng 2-1950 chủ trương chiến dịch diệt dốt, mở đầu là tuần lễ toàn dân diệt dốt, tiếp đến là các tuần lễ diệt dốt do các đoàn thể, tổ chức đảm nhiệm như phụ lão diệt dốt, thanh niên diệt dốt, dân quân diệt dốt... Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực hết mình, giáo dục Thanh Hóa đã có những tiến bộ đáng kể, đạt 102% về nhiệm vụ BDHV. Xã Vĩnh Khang dẫn đầu phong trào thanh toán nạn mù chữ toàn miền Bắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Hồ Chủ tịch gửi thư tuyên dương. Thanh Hóa cũng được Bộ Giáo dục tặng bằng khen về BDHV cho tỉnh và 4 xã. Ngày 13-6-1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Nói chuyện với các đại biểu nhân dân toàn tỉnh, Bác khen ngợi “bước đầu là BDHV, đồng bào Thanh Hóa cố gắng có kết quả tốt, ví dụ như xã Vĩnh Khang đã xóa xong nạn mù chữ, được Chính phủ khen ngợi”. Người căn dặn “nhưng phải cố gắng hơn nữa” và đặt “Giải thưởng thi đua của Hồ Chủ tịch dành cho BDHV”.
Khắc ghi lời dạy của Người, phát huy truyền thống Đất Thanh - Đất học, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sự chăm lo giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã nỗ lực, cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, từng bước ổn định, phát triển, đạt những thành tích đáng khích lệ và tự hào. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, năm 1998, Thanh Hóa đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2004; hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2006. Tính đến năm học 2006 – 2007, Thanh Hóa có đủ các loại hình trường lớp từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, TCCN, cao đẳng và đại học. Số lượng trường, lớp, loại hình đào tạo tăng nhanh và phủ kín các xã, phường trong tỉnh, bình quân mỗi xã có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trung tâm HTCĐ; mỗi huyện có từ 1 đến 8 trường THPT, có 1 trung tâm GDTX; 11 huyện miền núi đều có Trường THCS Dân tộc nội trú. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có Trường THPT chuyên Lam Sơn, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh...
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.106 trường học các cấp, trong đó có 1.439 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69,32%; phòng học kiên cố, cao tầng tăng nhanh, đạt tỷ lệ 87,7%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ đào tạo ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật. Năm học 2018-2019 Thanh Hóa tự hào đứng đầu cả nước về thành tích thi Olympic quốc tế, với 4 huy chương (3 HCV các môn Tin học, Hóa học và Vật lý; 1 HCB môn Sinh học). Đây là năm thứ 4 liên tiếp Thanh Hóa có học sinh đạt HCV, HCB Olympic quốc tế. Có 1 em đạt HCĐ trong kỳ thi Olympic khu vực Châu Á – Thái Bình Dương môn Vật lý.
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, toàn tỉnh có 65 em đạt giải (7 giải nhất, 17 giải nhì, 16 giải ba và 15 giải khuyến khích), là một trong những địa phương đứng trong top đầu cả nước. Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92,39%; toàn tỉnh có 107 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng, trong đó có học sinh đỗ thủ khoa khối A toàn quốc. Bên cạnh đó, kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS được giữ vững. Đặc biệt, tháng 7-2019, Bộ GD&ĐT đã có quyết định công nhận tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất hiện nay).
Tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa ngày 28-8 mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tại các huyện miền núi. Bộ trưởng cũng lưu ý ngành giáo dục Thanh Hóa cần thực hiện tốt một số vấn đề, như: Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, tập trung vào khu vực vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó chú trọng việc bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng mềm, giáo dục toàn diện cho học sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà...
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. 74 mùa thu đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, điều hành của Chính phủ, đất nước ta không chỉ giữ vững nền độc lập, mà đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ, sánh vai với các cường quốc năm châu. Quê hương Thanh Hóa cũng đang đổi mới từng ngày. Thanh Hóa đã và đang dần trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục, quốc phòng – an ninh mạnh của cả nước. Học trò xứ Thanh vang danh khắp đấu trường tri thức quốc tế, làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Nhà máy, công trường mọc lên khắp các vùng, miền. Nhân dân miền ngược, miền xuôi đã làm chủ ruộng đồng, nhà máy. Khát vọng thịnh vượng được ươm mầm, đâm chồi, nảy lộc bởi lớp lớp cán bộ giàu tâm huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm. Lời Bác dặn “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, rằng mọi người phải ra sức học tập để “trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh” chúng con luôn ghi nhớ. Đất nước, quê Thanh đang từng ngày làm theo lời Bác dạy, với mong muốn sẽ thỏa lòng mong mỏi của Bác, Bác Hồ ơi!