Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023
Sáng 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, UVT.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, UVT.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số trường đại học; lãnh đạo UBND, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo 63 tỉnh, thành phố dự tại các điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì điểm cầu.
Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đảm bảo nghiêm túc, an toàn. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt giải tuyệt đối.
Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên kênh truyền hình và kiểm tra đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19.
Kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của 1,4 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý (đạt 88%) và hơn 12 triệu hồ sơ học sinh (đạt 52). Số hóa và gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý (gồm 51.000 trường mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh, hơn 1,4 triệu giáo viên). Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lĩnh vực Giáo dục và đào tạo…
Chủ đề năm học 2022-2023 là "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo", với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo, học sinh và sinh viên.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực vượt khó trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục đạt kết quả, duy trì được thứ hạng ở quốc tế.
Nhiệm vụ năm học tới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thực hiện lộ trình về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, xử lý các vấn đề về sách giáo khoa. Tiếp tục bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới tất cả các khâu từ khung hệ thống, chương trình, khung trình độ, đánh giá giáo viên, quản lý Nhà nước, sách giáo khoa, hợp tác quốc tế…
Các bộ, các ngành và lãnh đạo các tỉnh đặc biệt quan tâm về việc đổi mới công tác quản trị trường phổ thông. Rà soát lại, chủ động đề xuất các cơ chế về học phí, về thực hiện tự chủ, quan tâm dành biên chế giáo viên cho các vùng nông thôn, trường khó khăn, đảm bảo điều kiện đủ giáo viên dạy học sinh vùng nông thôn học 2 buổi/ngày thuận lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể tổ chức học tập cho học sinh dân tộc ít người, rà soát cơ sở vật chất các trường học theo hướng đạt chuẩn, cố gắng tạo điều kiện sinh hoạt cho các em, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc ít người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đề xuất bổ sung các quy định về huy động nguồn xã hội hóa đóng góp tự nguyện trong các trường học. Tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm, sách tham khảo, không để học sinh phải tự nguyện xin được học thêm, xin được tổ chức lớp học, xin được đóng góp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, học liệu điện tử học trực tuyến, giáo dục STEM...
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, tập trung thực hiện ngay việc bù kiến thức do ảnh hưởng đại dịch cần chi tiết. Tập trung cùng địa phương phân bổ tuyển dụng bổ sung biên chế phù hợp.
Sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết về chủ trương ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Ngân sách chi cho cơ sở giáo dục theo phương thức tính đúng, tính đủ theo xu thế phát triển của đất nước, đảm bảo phát triển của giáo dục…