Ngành giày dép trước tình thế cấp bách

Ngày 6-6-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump dọa sẽ áp đặt một đợt thuế quan khác đối với ít nhất 300 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc. Điều này có nghĩa gần như tất cả hàng hóa từ Trung Quốc xuất vào Mỹ sẽ bị đánh thuế. Trong đợt này có rất nhiều chủng loại hàng hóa mà Việt Nam cũng đang có thế mạnh xuất vào Mỹ, như giày dép, dệt may và nhiều mặt hàng dân dụng khác.

 Chỉ có giày dép sản xuất tại các nước có giá nhân công thấp ở châu Á là họa may có thể thay thế giày dép nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Duy

Chỉ có giày dép sản xuất tại các nước có giá nhân công thấp ở châu Á là họa may có thể thay thế giày dép nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Duy

Hàng hóa Trung Quốc, do bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, sẽ mất lợi thế cạnh tranh và các thương hiệu của Mỹ sẽ phải tìm nơi sản xuất khác Trung Quốc để thay thế. Liệu rằng đây sẽ là cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hay sẽ là thách thức cho Việt Nam? Trong phạm vi hiểu biết của mình, người viết bài này chỉ xin phân tích về ngành da giày, nhưng từ đó có thể suy luận phần nào đối với các ngành xuất khẩu khác vào Mỹ.

So sánh năng lực xuất khẩu giày dép vào Mỹ

Theo World Footwear, năm vừa qua, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng gần 2,4 tỉ đôi giày dép các loại với tổng kim ngạch là 26,26 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu, tiếp theo là Việt Nam.

Thử hình dung là sau khi bị áp thuế, sẽ có ít nhất 80% số giày dép Mỹ nhập từ Trung Quốc, tương đương 1,36 tỉ đôi, cần tìm đến nơi sản xuất khác, điều gì sẽ xảy ra?

Theo biểu 1, ngoại trừ Ý có giá bình quân xuất sang Mỹ cao ngất ngưởng là 76,3 đô la Mỹ/đôi, giá một đôi giày dép từ Trung Quốc chỉ là 8,58 đô la Mỹ; ba nước còn lại lần lượt là Việt Nam: 13,92 đô la Mỹ/đôi, Indonesia: 14,6 đô la Mỹ/đôi, và Ấn Độ: 18,2 đô la Mỹ/đôi. Điều này cho thấy chỉ có giày dép sản xuất tại các nước có giá nhân công thấp ở châu Á là họa may có thể thay thế giày dép nhập từ Trung Quốc.

Dựa vào biểu 2, có thể thấy cũng chỉ có bốn nước châu Á nêu trên là có năng lực xuất khẩu lớn ra thế giới cũng như xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam, các nước còn lại đều có sản lượng xuất khẩu nhỏ(1). Như vậy, có thể dự báo phần lớn giày dép Trung Quốc sẽ được chuyển sang Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ.

Cũng cần cung cấp thêm là theo số liệu của Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong năm 2018, cả nước sản xuất khoảng 1,1 tỉ đôi giày dép các loại.

Cơ hội và thách thức

Dù chưa biết khi việc đánh thuế nêu trên diễn ra thì sẽ có bao nhiêu sản lượng giày dép từ Trung Quốc được chuyển sang Việt Nam sản xuất, nhưng chắc chắn là các thương hiệu, các nhà máy đang sản xuất giày dép xuất khẩu sang Mỹ sẽ tìm đến Việt Nam đầu tiên.

Đây sẽ là cơ hội để ngành da giày Việt Nam tiếp cận với nhiều nhãn hàng khác từ Mỹ, cũng như có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn khách hàng, chọn giá cả, phương thức kinh doanh, tiếp cận công nghệ... Bên cạnh đó là sự kỳ vọng rất lớn về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, do các nhãn hàng lớn của Mỹ thường kéo theo các nhà cung ứng vật tư khi họ chuyển dịch địa bàn sản xuất.

Tuy nhiên, khi nhìn vào các con số và thực trạng năng lực của ngành giày dép Việt Nam, tình hình hiện nay cũng đặt ra thách thức rất lớn và không lường được. Cơ hội có thể không nhiều và không bền vững, bởi các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn còn mong chờ sự dàn xếp giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến này. Khó có ai đoán được nó sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn đây không phải là cơ hội lâu dài, bền vững nếu so sánh với cơ hội đem lại từ một hiệp định thương mại.

Thách thức lớn nhất là sẽ có sự xáo trộn và rối ren cho Việt Nam về mặt kinh tế. Riêng với ngành giày dép, người viết nhận diện các thách thức sau đây:

- Giả sử có khoảng 30% trong số 1,36 tỉ đôi dự kiến di chuyển nơi sản xuất sẽ chọn điểm đến là Việt Nam (tương đương 400 triệu đôi), sẽ có một sự cạnh tranh gay gắt về lao động vì sẽ cần thêm từ 300.000-500.000 lao động với hàng trăm nhà máy mới. Đó là chỉ mới tính riêng ngành giày dép. Nếu hàng loạt ngành công nghiệp khác từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thì sự cạnh tranh này sẽ thực sự khốc liệt.

- Bên cạnh đó là sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên như nguyên vật liệu, đất đai, điện, giao thông, bến cảng... Tất cả có khả năng rơi vào tình trạng quá tải và ách tắc, vì không thể có được sự mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ tăng 40-50% chỉ trong một thời gian ngắn.

Và chưa kể Việt Nam sẽ tăng nhanh xuất siêu vào Mỹ. Con số 35 tỉ đô la xuất siêu sang Mỹ năm 2018 có thể sẽ tăng vọt lên trên 50 tỉ trong thời gian ngắn, sẽ đẩy Việt Nam vào tầm ngắm đặt hàng rào thương mại của nước này. Bên cạnh đó, mối lo ngại của người Mỹ về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mượn đường đưa hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ cũng là một lưỡi gươm treo lơ lửng, sẵn sàng đâm vào nền kinh tế Việt Nam bất kỳ lúc nào.

Bàn về giải pháp để tránh tình trạng này, đã có ý kiến đề nghị kiểm soát, thậm chí là hạn chế đầu tư. Nhưng điều khó là hạn chế đầu tư đối vào ngành nào, hạn chế nguồn nào và hạn chế bằng cách nào? Không dễ có một quyết định hạn chế như vậy khi Việt Nam đang hướng tới chính sách kinh tế mở và vẫn đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, chúng ta đang có nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều khối, nhiều nước trên thế giới.

Thực tế, để kiểm soát tình hình vừa cấp bách vừa mang tính sinh tử, doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất cần những giải pháp mang tính chiến thuật và chiến lược ở cấp quốc gia nhằm khai thác có lợi nhất cho đất nước mà không gây nên sự nghi ngại của phía Mỹ, cũng như không vi phạm các hiệp định với các nước.

Hy vọng bài viết này là một sự gợi mở tìm kiếm những gói giải pháp toàn diện nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, vốn hãy còn yếu, không bị cơn bão này cuốn trôi đi.

(*) Phó chủ tịch Lefaso

(1) Theo World Footwear, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh có lượng giày dép sản xuất rất lớn, lần lượt là 2,4 tỉ đôi; 1,08 tỉ đôi và 428 triệu đôi, nhưng do họ có thị trường nội địa rất lớn nên sản lượng xuất khẩu khá nhỏ.

Diệp Thành Kiệt (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290298/nganh-giay-dep-truoc-tinh-the-cap-bach.html