Ngành gỗ sẵn sàng bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới

Trước nhiều thách thức và cơ hội đột phá của thị trường ngành gỗ, đã đến lúc doanh nghiệp (DN) tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quản lý, mở rộng chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu bền vững.

Nâng tầm công nghệ

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thời gian qua là kết quả tích cực với ngành công nghiệp gỗ Bình Dương trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Nhưng để tăng trưởng và phát triển bền vững, các DN ngành gỗ cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt là phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistics.

Các đại biểu thăm các gian hàng công nghệ tại Hội chợ triển lãm máy móc ngành gỗ vào tháng 11-2024

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An cho biết, tình hình đơn hàng hiện nay khả quan. Tuy vậy, các chi phí cố định giữ nguyên, chi phí bán hàng, giá cước vận tải biển tăng cao và biến động hàng ngày ảnh hưởng đến kế hoạch xuất hàng. Một số khách hàng dời ngày xuất hàng và thay đổi lịch xuất hàng gây ra không ít khó khăn trong việc sắp xếp dây chuyền sản xuất, phát triển công nghệ của công ty.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long cho biết: Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, đồng thời đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng. Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới. Trong đó, năm thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

“Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi. Về triển vọng trong thời gian tới, với những số liệu xuất khẩu tích cực, đơn hàng về đồ gỗ cuối năm 2024 đang tăng trưởng tốt. Tuy vậy, đã đến lúc các DN ngành gỗ cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đổi mới quản lý...”

Thông tin về thị trường xuất khẩu gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam với hơn 55% tổng kim ngạch. Đây cũng là thị trường có nhu cầu lớn với các mặt hàng kể cả cao cấp cũng như các mặt hàng bình dân. Điều này tạo thuận lợi cho các DN có quy mô nhỏ tìm kiếm được các phân khúc thị trường cho hàng hóa của mình tại thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.

“Tuy vậy, xu thế thay đổi tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ thời gian qua được nhiều chuyên gia nhắc đến chính là các sản phẩm gần gũi thiên nhiên, không gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính...Đồng thời, những yêu cầu về chất lượng, độ tiện dụng, lắp đặt dễ dàng của sản phẩm ngày một cao hơn. Điều này đòi hỏi DN phải nâng tầm công nghệ”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.

Các giải pháp công nghệ được giới thiệu tại Triển lãm máy móc ngành gỗ vào tháng 11-2024

Sẵn sàng hỗ trợ

Cùng với những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, năm 2025, các DN chế biến, xuất khẩu gỗ lên kế hoạch chủ động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm sản xuất sản phẩm này như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhu cầu về các giải pháp nội thất thông minh ngày càng gia tăng, nội thất không chỉ đơn thuần là không gian sống, mà còn là nơi thể hiện phong cách, cá tính và sự tiện nghi của mỗi cá nhân. Chúng ta cũng có thể thấy rõ rằng, nội thất thông minh không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiện ích cá nhân mà còn góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“Những giải pháp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong thời gian tới, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh sẽ đồng hành với cộng đồng DN, cập nhật các xu hướng mới trong ngành gỗ để DN nắm bắt được xu hướng, đầu tư công nghệ, hoàn thiện các quy trình quản lý trong sản xuất...”, ông Trần Ngọc Liêm nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định ngành nội thất đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của những giải pháp nội thất thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa không gian sống và làm việc. Đối với mặt hàng nội thất, những giải pháp tiên tiến, hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và phát triển bền vững là yếu tố rất quan trọng.

“Bình Dương là một tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và là trung tâm sản xuất, xuất khẩu nội thất lớn của cả nước, luôn sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chúng tôi luôn khuyến khích các DN không ngừng đổi mới, sáng tạo và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nội thất và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế”.

(Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương)

Tiểu My - Cẩm Tú

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-go-s-n-sang-buoc-vao-quy-dao-tang-truong-moi-a337507.html