Ngành Hải quan: Chốt chặn ma túy thâm nhập vào nội địa
Số lượng vụ việc tăng đột biến, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, khối lượng tang vật lớn chưa từng có, đó là những nhận định mà Tổng cục Hải quan đưa ra khi đánh giá về tình hình vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam thời gian qua, nhất là trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh. 'Vấn nạn' này đang đặt lên vai các lực lượng tuyến đầu một gánh nặng lớn.
Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo ghi nhận của cơ quan hải quan, thời gian qua, hoạt động vận chuyển ma túy có chiều hướng chuyển dịch, tập trung nhiều ở các sân bay quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt là các chuyến bay từ Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ. Tội phạm ma túy tăng đột biến về mặt số lượng, cũng như tính chất phức tạp của từng vụ việc.
Ông Đinh Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) cho biết: Trước đây, qua các vụ việc đã phát hiện có thể thấy, số lượng ma túy bị bắt giữ mang theo người, hành lý cá nhân thường không nhiều nhưng gần đây, số lượng này có thể lên tới hàng trăm kg các loại. Lượng cocain, ketamin có thể lên tới 5 - 10kg.
Các đối tượng đã lợi dụng các chính sách mới của Nhà nước, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử, áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh để cất giấu ma túy.
373 vụ với 358 đối tượng buôn lậu ma túy đã bị triệt phá
Thống kê cho thấy, trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án, đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy.
Kết quả bắt giữ 373 vụ với 358 đối tượng. Tang vật thu được 924,09 kg ma túy tổng hợp các loại; 166,46 kg cần sa; 52 kg thuốc phiện; 203,6 kg heroin; 21,77 kg cocain; 124,35 kg và 8.480 viên ketamin; 370 viên chất hướng thần; gần 13 kg tiền chất; 500 tem giấy tẩm ma túy LSD; 11,063 kg cỏ Mỹ khô và 2,1 kg ma túy khác.
Tội phạm ma túy thường thông qua mạng xã hội để tìm kiếm và kết bạn, sau đó lợi dụng các phụ nữ có hoàn cảnh éo le, hứa hẹn đưa ra nước ngoài du lịch. Quá trình đi du lịch miễn phí, đối tượng đưa valy hàng hóa có ma túy để các phụ nữ này vận chuyển vào Việt Nam.
Một vụ việc điển hình của thủ đoạn này đã bị Hải quan Nội Bài phát hiện hồi đầu năm 2023. Khi đó, thông qua soi chiếu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nghi vấn có chất cấm trong một kiện hành lý của một người phụ nữ mang quốc tịch Việt Nam đi từ Malaysia về. Người phụ nữ này nhận “bán kiện” hàng hóa - tức là cho người khác gửi hàng hóa khi thừa khối lượng hành lý - và khai nhận không biết hàng hóa trong hành lý là gì. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng Hải quan phát hiện nhiều viên nén. Kiểm tra qua máy test nhanh, kết quả dương tính với thuốc thử ma túy tổng hợp. Mở rộng đấu tranh từ vụ việc này, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng cùng 105 kg ma túy tổng hợp các loại.
Những thủ đoạn tương tự cũng được sử dụng như lợi dụng tiếp viên hàng không, sinh viên học sinh đi du học hay người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Trong quá trình về nước, tội phạm sẽ mua hành lý ký gửi rồi giấu ma túy vào hàng hóa và thuê những người này đem về Việt Nam. Tinh vi hơn, bọn tội phạm còn lợi dụng lòng tốt của những người ít đi máy bay, thiếu kinh nghiệm, hoặc đưa hành lý có ma túy nhờ những người già, người tàn tật, người có con nhỏ trông, xách hộ.
Trong các kiện hàng chuyển phát nhanh, để qua mắt lực lượng chức năng cùng hệ thống soi chiếu hiện đại, các đối tượng tìm cách giấu ma túy lẫn vào các loại hàng hóa thông thường như bánh, kẹo, cafe, dầu gội, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn cho vật nuôi hoặc các thiết bị như máy pha café, máy hút bụi, máy lọc không khí. Cá biệt, chúng còn thay bột chống dính có trong găng tay y tế bằng heroin, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khó có thể phát hiện.
Từ những sự việc đã bị phát hiện, có thể thấy, tội phạm ma túy không từ một phương thức thủ đoạn nào để vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam.
Không chỉ tinh vi trong thủ đoạn cất giấu, vận chuyển, các đối tượng thậm chí còn “trinh sát ngược lại” các lực lượng chức năng bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo ông Phạm Thành Hưng - Phó Đội trưởng Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh), trước khi đối tượng gửi hàng có giấu ma túy chính thức về chúng cũng dùng nhiều phương pháp “thử” cơ quan chức năng xem có thể đi qua được không trước khi quyết định đi thật.
Thực tế, đơn vị đã từng phát hiện trường hợp đế giày có vật thể lạ nhưng khi kiểm tra bên trong chỉ là một miếng sắt. Một trường hợp khác phát hiện vật thể lạ trong hũ thực phẩm không giống thực phẩm thông thường trong kiện hàng nhưng khi mở ra chỉ thấy bên trong là một củ giềng.
Nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ chuyên trách
Với siêu lợi nhuận từ việc vận chuyển, buôn bán ma túy, các đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng.
Trước tình hình đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng hải quan và lực lượng công an trong đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là trong việc xác lập đấu tranh các chuyên án chung về tội phạm ma túy qua đường hàng không.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng đề xuất trong thời gian tới, hai lực lượng tại mỗi cấp trung ương tới địa phương thống nhất xây dựng quy chế, quy định về trách nhiệm và quy trình phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, đặc biệt là lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống ma túy. Đồng thời, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ chuyên trách; tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân, doanh nghiệp; tiến hành cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan trong tình hình mới.
Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị tới các địa phương, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có các sân bay quốc tế trọng điểm, kiên quyết yêu cầu các hãng hàng không, các hãng vận chuyển thực hiện cung cấp các thông tin về hàng hóa, hành khách, hành lý trước cho lực lượng chức năng thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để phân loại, đánh giá phân tích, kết hợp với các thông tin nghiệp vụ khác nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh bắt giữ. Trong các sân bay, cơ quan hải quan sẽ tăng cường soi chiếu, phát hiện vi phạm. Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội để bổ sung máy soi cho lực lượng Hải quan tại các đơn vị trọng điểm để phục vụ nhiệm vụ này.
Thời gian tới, tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực biên giới đường biển, đặc biệt là tuyến đường hàng không đang là trọng điểm hoạt động của các đường dây ma túy lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm.
Để đấu tranh có hiệu quả tội phạm ma túy, góp phần thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Từ đó, thể hiện quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, xứng đáng là lực lượng tiên phong, chốt chặn trên tuyến đầu, không để ma túy vào nội địa, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Hiện đại hóa trang thiết bị để đấu tranh hiệu quả
Nhiệm vụ của cơ quan hải quan là phải thông quan nhanh chóng một lượng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Trong khi đó, các đối tượng buôn bán ma túy luôn tìm các phương thức thủ đoạn để trà trộn ma túy vào hàng hóa.
Tới đây, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, đặc biệt là các máy soi container, hành lý, hàng hóa; các máy phát hiện ma túy cũng như lực lượng chó nghiệp vụ hải quan ở các sân bay. Qua đó, sớm phát hiện các dấu hiệu vi phạm về ma túy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế hội nhập hiện nay, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm hợp tác song phương và đa phương trong trao đổi thông tin các vụ việc với các nước để tìm ra những đường dây, ổ nhóm cũng như hợp tác trong đấu tranh phòng, chống ma túy toàn cầu.
Cần nghiệp vụ chuyên sâu để triệt phá tận gốc phương thức, thủ đoạn buôn lậu
Tuyến hàng không là tuyến vận chuyển hàng hóa đặc biệt, nhanh, thuận tiện và chỉ có 1 con đường duy nhất. Để chống lại các lực lượng chức năng, các đối tượng luôn luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn.
Các đối tượng chính của các vụ việc hiện nay đều đang sống lưu vong, bất hợp pháp ở các nước châu Âu. Phương thức trao đổi thông tin chỉ đạo từ các đối tượng này chủ yếu qua mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ khiến cơ quan chức năng kiểm soát rất khó khăn. Đặc biệt, người nhận đều là tên giả, số điện thoại giả, gửi hàng vòng vèo thông qua nhiều công ty vận chuyển quốc tế. Nếu không làm kỹ, không có nghiệp vụ sâu thì chỉ phát hiện và giữ được những người vận chuyển hàng thuê.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng Hải quan đã có nhiều buổi làm việc và thống nhất đánh giá nguyên nhân, đề ra giải pháp phối hợp phòng, chống ma túy, kịp thời có phương án, kế hoạch đấu tranh có hiệu quả./.