Ngành Hải quan hỗ trợ tạo đà cho xuất, nhập khẩu bứt phá
Theo ước tính mới nhất, đến hết năm 2024, con số thương mại hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay - 780 tỷ USD. Để đạt được kết quả ấn tượng này, bên cạnh yếu tố tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, không thể phủ nhận những hỗ trợ hiệu quả của ngành Hải quan.
Phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 33,60 tỷ USD, tăng 5,8% (tương ứng tăng 1,84 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 thặng dư 1,99 tỷ USD.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hứa hẹn cán đích 800 tỷ USD
Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm 2024 vẫn còn lớn. Vị thế của hàng Việt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao. Nhiều dự báo cho rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước có thể đạt đến con số 800 tỷ USD. Để đáp ứng được mức độ gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế, ngành Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, một động lực quan trọng của cả nền kinh tế.
Tính chung trong 10 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% (tương ứng tăng 88,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 10 tháng thặng dư 23,31 tỷ USD, thấp hơn 6% so với con số thặng dư 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Những con số ấn tượng này đã cho thấy sự bứt tốc của giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng đã phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ghi nhận tại cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Công ty Thép VAS Nghi Sơn mới đây vừa xuất hơn 300.000 tấn thép “lên đường” đi Bỉ. Đây là thành quả của một thời gian dài nỗ lực chinh phục thị trường châu Âu của doanh nghiệp này. Ngoài nỗ lực sản xuất được thép xanh thì những lô hàng xuất khẩu này cũng được coi là “tấm giấy thông hành” cho doanh nghiệp đặt chân vào thị trường đầy khó tính này. Từ đó, doanh thu cũng như sản lượng xuất khẩu có cơ hội được mở rộng trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Quý Giáp - Giám đốc Công ty Thép VAS Nghi Sơn (Thanh Hóa), từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã đạt khoảng 430 triệu USD, tăng khoảng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tăng tới hơn 21%. Dự kiến, quý IV/2024, đà tăng trưởng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Công ty Pro Sports Hà Nội, các xưởng sản xuất đang bận rộn sản xuất để trả các đơn hàng đã ký mà còn liên tục tiếp khách mới đến tham khảo mẫu mã để “chốt đơn”. Bà Trần Thị Hà - Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho hay, lượng hàng xuất tăng hơn năm ngoái. Người châu Âu rất quan tâm đến các hoạt động thể thao hòa mình với thiên nhiên nên các đơn đặt hàng liên quan đến các sản phẩm phục vụ cho leo núi, trượt tuyết… nhiều hơn. Đây lại đang là thế mạnh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sau một thời gian xuất khẩu mạnh vào thị trường Hàn Quốc và Đông Nam Á, Công ty sen vòi Selta đang đầu tư thêm dây chuyền để đáp ứng nhiều hơn yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Theo ông Nguyễn Xuân Công - Phó Tổng Giám đốc Công ty sen vòi Selta, thời gian qua, doanh nghiệp đã dành nguồn lực đầu tư vào công nghệ để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ nỗ lực đó, vừa qua doanh nghiệp đã ký được hợp đồng lớn với thị trường Hoa Kỳ, thực hiện đến hết năm 2026. Tiến tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục cải tiến để có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu
Để đáp ứng được mức độ gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế, ngành Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu - một động lực quan trọng của cả nền kinh tế.
Ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, những kết quả đạt được trong cải cách, hiện đại hóa hải quan thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho cho cả cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp; được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Hải quan Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 với mục tiêu “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”.
Do đó, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa, tiếp tục tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan.
Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, tích cực thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp./.