Nhiều nội dung góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm
Ngày 14/11, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Dự thảo Luật Việc làm đã được Chính phủ công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Nội dung Dự thảo Luật Việc làm lần này đã có nhiều thay đổi lớn như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; Sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; Bổ sung quy định về đăng ký lao động; Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Cho đến nay, bản dự thảo đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần thông qua các ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, của toàn thể nhân dân. Ngày 9/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm của Chính phủ.
Tuy nhiên, tại bản dự thảo này còn nhiều nội dung chưa được thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo.
Theo Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và thực thi Luật Việc làm, cơ quan xét xử, các doanh nghiệp… trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó cùng thảo luận và đưa ra các kiến nghị giúp Ban soạn thảo hoàn thiện hơn các quy định trong Dự thảo Luật Việc làm.
Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý cho rằng, qua hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản Luật Việc làm đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013 vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như: Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương. Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác...
Các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận và góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm với các nội dung về đối tượng tham gia và mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; Pháp luật quốc tế và một số quốc gia về bảo hiểm thất nghiệp; Pháp luật quốc tế và một số quốc gia về trợ cấp thất nghiệp; Điều kiện hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp; Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp trong Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi)...
Thạc sĩ Trần Nguyễn Quang Hạ, Khoa Luật, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động, bảo hiểm thất nghiệp trở thành một chính sách quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần ổn định thị trường lao động và xã hội.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp liên tục được cập nhật và hoàn thiện.
Với dự thảo lần này, bảo hiểm thất nghiệp đã trở lại đúng bản chất đó là làm thế nào hỗ trợ tốt nhất để giúp người lao động duy trì việc làm. Nếu người lao động bị mất việc thì sẽ giúp người lao động được đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, và cuối cùng mới là hỗ trợ một khoản tiền nhằm bù vào thu nhập bị mất do mất việc làm.
Từ đó, các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tiếp cận với người lao động một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-noi-dung-gop-y-cho-du-thao-luat-viec-lam-post844839.html