Ngành Hải quan nhiều sáng kiến ứng phó với tội phạm ma túy

Tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến. Trong bối cảnh đó, ngành Hải quan đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nhận thức, tư duy và cách làm trong thực thi nhiệm vụ về phòng chống ma túy.

Tội phạm ma túy đang nhắm vào thị trường Đông Nam Á

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và các tổ chức, cơ quan chức năng khu vực và trong nước, tình hình tội phạm ma túy đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới.

Hải quan Nội Bài chủ trì phối hợp với các lực lượng phát hiện 5 kiện hàng, bên trong có 353 hộp kim loại đều chứa chất dẻo, tổng khối lượng 121 kg tang vật là ma túy (nhựa cần sa).

Hải quan Nội Bài chủ trì phối hợp với các lực lượng phát hiện 5 kiện hàng, bên trong có 353 hộp kim loại đều chứa chất dẻo, tổng khối lượng 121 kg tang vật là ma túy (nhựa cần sa).

Tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng ở hầu hết các quốc gia theo xu hướng khó kiểm soát.

Châu Á đã và đang là thị trường tiêu thụ lớn của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần. Tại Đông Nam Á, diện tích và sản lượng thuốc phiện liên tục tăng, vùng Tam giác Vàng trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới.

Các đường dây vận chuyển cocaine từ các nước Mỹ La tinh được phát hiện, bắt giữ gần đây cho thấy loại tội phạm này đang nhắm vào thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam - quốc gia có đường biên giới trải dài, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Bên cạnh đó, sự hình thành cộng đồng ASEAN với những chính sách thông thoáng cùng một số hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, điển hình như trong lĩnh vực bưu chính, do đó tội phạm ma túy triệt để lợi dụng.

Tại một số nước, xuất hiện khuynh hướng muốn hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy, trong đó có các quốc gia láng giềng cũng sẽ tạo nên sức ép rất lớn cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy của lực lượng chức năng, trong đó có hải quan.

Trong bối cảnh hội nhập, việc áp dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại cùng những điều kiện, đặc điểm đặc thù có tính thuận lợi, phù hợp cho hoạt động vận chuyển, giao thương khiến Việt Nam trở thành địa bàn tội phạm ma túy lợi dụng nhằm vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Đổi mới, sáng tạo trong đấu tranh

Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam diễn biến phức tạp trên cả tuyến đường bộ, đường hàng không, chuyển phát nhanh và tuyến đường biển.

Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn cất giấu nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Các đối tượng dùng thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi trong lon đồ uống đóng hộp. Chúng cắt đôi lon nước táo cất giấu ma túy sau đó dán nhãn kín quanh vỏ hộp và trà trộn lẫn với các lon nước khác.

Các đối tượng dùng thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi trong lon đồ uống đóng hộp. Chúng cắt đôi lon nước táo cất giấu ma túy sau đó dán nhãn kín quanh vỏ hộp và trà trộn lẫn với các lon nước khác.

Trong bối cảnh đó, ngành Hải quan đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nhận thức, tư duy và cách làm trong thực thi nhiệm vụ về phòng chống ma túy, trên cương vị chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng, bộ, ngành cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế.

Qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận trong đấu tranh phòng chống ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp tác liên quan đến ma túy.

Kết quả từ năm 2020 đến tháng 6/2024, toàn ngành Hải quan đã bắt giữ 1.165 vụ với 1.310 đối tượng, gần 8.730 kg ma túy các loại.

Riêng những tháng đầu năm 2024, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách bắt giữ 183 vụ với 216 đối tượng, thu giữ 1,2 tấn ma túy, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự báo tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam giai đoạn tới tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng trên địa bàn rộng khắp.

Về giải pháp, trên cơ sở phát huy kết quả đạt được trong năm qua, ngành Hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch phối hợp để triển khai tốt công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Đặc biệt, ngành sẽ tập trung vào công tác thu thập thông tin trong nước và nước ngoài, chia sẻ thông tin về tội phạm ma túy giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước, cùng các cơ quan, tổ chức nước ngoài, khu vực và quốc tế.

Trong công tác nghiệp vụ có liên quan, trước tình trạng tội phạm ma túy thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngành Hải quan sẽ tập trung, huy động tối đa các nguồn lực, điều kiện đảm bảo, tăng cường lực lượng, sử dụng hiệu quả công cụ, máy móc, trang thiết bị chuyên dùng và chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình mới./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-nhieu-sang-kien-ung-pho-voi-toi-pham-ma-tuy-156620.html