Ngành Hải quan phát triển vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin

Trong những năm gần đây ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số đóng vai trò hết sức quan trọng, đem lại sự phát triển vượt bậc trong quản lý hải quan và phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ yêu cầu của cuộc sống

Tổng cục Hải quan cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan, là yêu cầu tất yếu và là cơ sở để hiện thức hóa các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Tuy mới được thành lập vào tháng 3/2001, nhưng Cục CNTT & Thống kê hải quan đã nhanh chóng có những bước chuyển mạnh mẽ, từ chỗ ứng dụng công nghệ thông tin chỉ chủ yếu phục vụ công tác báo cáo thống kê, các hệ thống CNTT đã dần dần được nghiên cứu, phát triển để hỗ trợ các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan.

Bắt đầu từ việc triển khai Hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhiều phần mềm đã được tiếp tục triển khai trong những năm đầu của thế kỷ 21, điển hình là các hệ thống: quản lý thông tin vi phạm; quản lý giá tính thuế; thanh khoản đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu… Đặc biệt, năm 2005 đánh dấu mốc quan trọng với việc cơ quan hải quan chính thức triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử, cho phép toàn bộ các khâu trong quy trình thủ tục hải quan từ khai tờ khai xuất nhập khẩu, phê duyệt, đến quyết định hình thức mức độ kiểm tra đối với một lô hàng xuất nhập khẩu đều được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Những kết quả bước đầu trong triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo động lực cho cơ quan hải quan đẩy mạnh triển khai mở rộng hải quan điện tử, phát triển các hệ thống CNTT vệ tinh, đồng thời bắt tay vào xây dựng Hệ thống quản lý rủi ro nhằm phục vụ yêu cầu quản lý hải quan hiện đại.

Đến năm 2013, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Đây chính là bước đột phá trong cải cách thủ tục hải quan, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để Hải quan Việt Nam tiếp nhận và triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Tháng 4/2014, Hệ thống VNACCS/VCIS được chính thức triển khai. Qua đó các thủ tục hành chính cốt lõi trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả thông qua mạng Internet.

Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo tiền đề cho cơ quan hải quan thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại của nước ta.

Tập trung chuyển đổi số

Sau hơn 20 năm nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý Nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan như:

Thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý hàng hóa tại cảng biển, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý nội ngành.

Từ những nỗ lực này, nhiều kết quả nổi bật của ngành Hải quan đã được ghi nhận như tạo thuận lợi thương mại, phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng CNTT toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ, tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan…

Ngành Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration); Thực hiện giám sát hải quan tự động; Triển khai cung cấp thông tin tờ khai hải quan… Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022, từng bước phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Quang Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nganh-hai-quan-phat-trien-vuot-bac-ve-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-post454850.html