Ngành hải quan sẽ xem xét mở rộng doanh nghiệp hưởng thụ chính sách

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, coi cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại diễn đàn “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”, diễn ra ngày 6/9 tại Hà Nội, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Hoàng Việt Cường, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Ngành hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, ngành hải quan coi cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Qua đó, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ngành đã có nhiều giải pháp; trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

“Đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về doanh nghiệp ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế. Theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết.

Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật. Thời gian tới, ngành hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách.

Theo ông Hoàng Việt Cương, hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Son Wonsik - Ủy viên về Hải quan của KoCham cho rằng, chủ trương hiện đại hóa hải quan thông qua hệ thống điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ thống hải quan thông minh, ban hành chính sách quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa,… Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bố trí nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến để trao đổi, thảo luận và giải đáp các vấn đề vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, tạm dừng, tạm hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.

“ Nhìn chung, tổng thể các biện pháp cải cách thủ tục hành chính và quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra của Cơ quan hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh được cộng đồng ghi nhận và đánh giá rất cao”, ông Son Wonsik nói.

Tuy ông Son Wonsik cũng cho rằng, để phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) , cần có những thay đổi phù hợp về quy định để mở rộng đối tượng áp dụng và xây dựng bộ điều kiện phù hợp với từng đối tượng, thúc đẩy quá trình thiết lập và kí kết các cơ chế công nhận lẫn nhau về các chương trình AEO tạo điều kiện thuận lợi cho AEO tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, việc thanh kiểm tra sau thông quan khi doanh nghiệp đăng kí và gia hạn chương trình AEO cần được chú trọng hơn nữa, tinh giản và minh bạch góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, phát triển mạng lưới các doanh nghiệp AEO tại Việt Nam.

Tại diễn đàn các doanh nghiệp, chuyên gia cũng đã chia sẻ, trao đổi, đối thoại, đề xuất các ý kiến để cơ quan hải quan cũng như các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-hai-quan-se-xem-xet-mo-rong-doanh-nghiep-huong-thu-chinh-sach/305470.html