Ngành Hải quan: Tiếp tục mở rộng kiểm tra, xác minh các hành vi gian lận xuất xứ

Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan hải quan đã quyết liệt vào cuộc nhằm phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, khởi tố và đề nghị khởi tố một số vụ việc…

Tang vật linh kiện xe đạp nhập khẩu không đủ điều kiện cấp C/O hàng Việt Nam do cơ quan hải quan thu giữ. Ảnh: Phi Vũ

Tang vật linh kiện xe đạp nhập khẩu không đủ điều kiện cấp C/O hàng Việt Nam do cơ quan hải quan thu giữ. Ảnh: Phi Vũ

Tổng cục Hải quan cũng xác định chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm trong những tháng cuối năm 2020 và các năm tiếp theo.

“Lật tẩy” thủ đoạn gian lận C/O

Trong thời gian qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ (C/O) Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Hải quan (thống kê đến giữa năm 2020) đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về C/O hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận C/O.

Theo cơ quan hải quan, thủ đoạn của doanh nghiệp (DN) vi phạm là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như: gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in Label cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt C/O “Việt Nam” quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương.

Cơ quan hải quan đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Đồng thời, cơ quan hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ. Kết quả phát hiện vi phạm C/O tại 4/4 DN.

Đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, cơ quan hải quan cũng đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 12 DN. Kết quả phát hiện vi phạm C/O tại 12/12 DN. Các DN đã nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail) không đáp ứng tiêu chí C/O Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương.

Ráo riết ngăn chặn hành vi “đội lốt” hàng Việt

Tổng cục Hải quan đánh giá, với sự tập trung chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của Tổng cục Hải quan, bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước, đặc biệt là Mỹ để thực hiện hành vi vi phạm C/O Việt Nam, làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.

Đến cuối năm 2020, đã cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận C/O hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác, tránh ảnh hưởng xấu đến các DN xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

Đối với hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài và các DN trong nước, kết quả kiểm tra xử lý đã có tác động, cảnh báo, phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Qua đó, cộng đồng DN được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, DN đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng C/O Việt Nam.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận C/O, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Gần đây nhất, Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan phát hiện một DN có hành vi nhập khẩu tơ tằm Trung Quốc cho “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Ấn Độ. Quá trình kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện DN này xin cấp 8 C/O Form AI để xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về C/O, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế suất cao. Theo quy định tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%.

Từ kết quả nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận C/O đối với nhiều DN, nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng có chênh lệch thuế suất, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bước đầu ngăn chặn được gian lận C/O

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg (ngày 4/7/2019) và Nghị quyết số 119/NQ-CP (ngày 31/12/2019). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Quyết định 1662/QĐ-BTC (ngày 27/8/2019), Tổng cục Hải quan quyết liệt vào cuộc, đến nay bước đầu đã ngăn chặn được tình hình gian lận C/O hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-12-07/nganh-hai-quan-tiep-tuc-mo-rong-kiem-tra-xac-minh-cac-hanh-vi-gian-lan-xuat-xu-96404.aspx