Ngành hàng cá tra hướng đến xuất khẩu 2 tỷ USD

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất để kịp thời cung cấp hàng cho đối tác nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thị trường, đầu tư, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài nước, hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Năm 2023 là một năm khó khăn của ngành cá tra Việt Nam, bởi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so năm 2022. Xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia Châu Á đều giảm mạnh.

Nguyên nhân do xung đột Nga và Ukraine, giữa Israel với phong trào Hamas vẫn chưa đến hồi kết. Chiến tranh kéo dài, thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn, như: Kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho cá tra tại các quốc gia nhập khẩu, lạm phát toàn cầu tăng cao.

Để khắc phục được những hạn chế trên, năm 2024, toàn ngành cá tra đưa mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, phấn đấu đạt diện tích thả nuôi cá tra 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm khoảng 1,7 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, 224 DN trong ngành hàng đã sớm khởi động hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại ĐBSCL, các nhà máy chế biến cá tra đã hoạt động trở lại ngay trong ngày mùng 6 Tết Giáp Thìn. “Nhà máy chế biến sớm mở cửa hoạt động trở lại, tụi em rất mừng. Vui vì nhà máy đã có đơn hàng xuất khẩu, công nhân sẽ làm đủ ngày công trong tháng; mừng vì sau một thời gian dài xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, nay đã có tín hiệu tốt trở lại” - chị Trần Thị Loan (công nhân nhà máy đông lạnh thủy sản Đại Tây Dương, thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt) bộc bạch.

Bên cạnh kích hoạt các nhà máy chế biến hoạt động trở lại, các DN chế biến cá tra tiếp tục đẩy mạnh liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để đưa các sản phẩm cá tra đến người tiêu dùng. Trong đó, Công ty Cổ phần Nam Việt đã triển khai ký kết với các đối tác trong hoạt động chuỗi liên kết giá trị (nhà khoa học, DN, ngân hàng, hộ nuôi liên kết, các DN nhập khẩu sản phẩm cá tra ở thị trường nước ngoài).

Ngày 17/2/2024, trong khuôn khổ chương trình gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 chủ đề “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, Công ty Cổ phần Nam Việt đã triển khai chương trình hợp tác với Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong (MEFAST), thực hiện hợp tác nghiên cứu với 4 nội dung, gồm: Phối hợp trong nghiên cứu và phát triển (R&D) hệ thống món ăn đặc trưng văn hóa các quốc gia nhập khẩu cá tra và nâng tầm nghệ thuật ẩm thực Việt từ cá tra; phối hợp trong xây dựng, phát triển kênh thương mại điện tử phân phối các sản phẩm cá tra nguyên liệu và các sản phẩm cá tra sau chế biến tại thị trường nội địa.

Đồng thời, tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, xúc tiến thương mại ngành hàng cá tra trong nước và quốc tế, nâng tầm vị thế ngành hàng nông nghiệp chủ lực Việt Nam. Hai bên phối hợp truyền thông, quảng bá các sản phẩm từ cá tra và thủy sản Nam Việt trên các kênh truyền thông đại chúng, góp phần xây dựng hình ảnh xã hội, tầm nhìn và sứ mệnh Nam Việt trong phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Đại diện Công ty Cổ phần Nam Việt ký kết hợp tác với Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong trong hợp tác nghiên cứu về cá tra

Đại diện Công ty Cổ phần Nam Việt ký kết hợp tác với Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong trong hợp tác nghiên cứu về cá tra

“Người tiêu dùng thông minh ngày nay thường ưa chuộng các ý tưởng mới. Đa phần người mua hàng đều ý thức được về chuỗi sản xuất, cũng như hậu quả của lựa chọn tiêu dùng. Nhiều người sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho thực phẩm có nguồn gốc hợp lý, phát thải thấp, qua đó chung tay bảo vệ trái đất. Vì vậy, các DN trong ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu thêm về văn hóa tiêu dùng, văn hóa ẩm thực, để đáp ứng ngày càng tốt hơn mong muốn của người mua và ăn cá tra” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét.

Để sản phẩm cá tra xuất khẩu đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị của các phân khúc khách hàng, thị trường, thông qua chương trình giống cá tra 3 cấp, các DN trong ngành đã đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, nhà khoa học, nghiên cứu cho ra đời con giống khỏe, sạch bệnh (thông qua cải tiến di truyền gen).

Từ đó, quá trình sản xuất đạt hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách hàng. Với tầm nhìn, sứ mạng “Nâng cầm cá tra Việt”, đến nay, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đã chọn tạo được thế hệ cá tra giống G4. Đây là con giống khỏe, sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, thịt cá có mùi thơm, ngon, đưa vào chế biến đạt tỷ lệ fillet cao.

Ngành hàng cá tra đẩy mạnh liên kết, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD là bước khởi đầu trong năm mới Giáp Thìn 2024. Hy vọng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN và người nuôi cá, ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ có đột phá mới, tiếp tục đưa sản phẩm cá tra đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Để đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra 2 tỷ USD trong năm 2024, toàn ngành cần tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng thương hiệu, chiến dịch tiếp thị hình ảnh sản phẩm, công nghệ nuôi, vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến… nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nganh-hang-ca-tra-huong-den-xuat-khau-2-ty-usd-a388615.html