Ngành hàng không có thể mất 77 tỷ USD doanh thu trong nửa cuối năm
Một số chuyên gia cho rằng tình hình trở nên tồi tệ khi một số chính phủ có thể sẽ không muốn giải cứu các hãng bay lần thứ hai.
Theo công ty dữ liệu du lịch Cirium, tính từ tháng 1, có tổng cộng 43 hãng hàng không thương mại trên toàn cầu dừng hoạt động. Trong khi đó, con số này của năm 2019 là 46 và năm 2018 là 58. Đây là những hãng bay phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động hoàn toàn.
Theo CNBC, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt gói giải cứu giá trị lớn từ chính phủ đã giúp nhiều hãng hàng không thoát khỏi bờ vực phá sản. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong vài tháng tới, có thể nhiều hãng bay sẽ không thoát được kết cục này.
“Nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ của chính phủ, chúng ta có thể đã phải chứng kiến làn sóng phá sản hàng loạt trong 6 tháng đầu của cuộc khủng hoảng (Covid-19). Thay vào đó, số lượng phá sản nằm trong tầm kiểm soát và có rất ít vụ sụp đổ quy mô lớn”, Brendan Sobie, nhà phân tích tại Sobie Aviation, bình luận.
Sobie cho biết nhiều hãng hàng không vốn đã gặp khó khăn trước khi đại dịch ập đến, nhưng giờ đây họ “có cơ hội sống sót cao hơn” nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.
“Trong cái rủi có cái may bởi tình hình tệ đến mức các chính phủ không còn lựa nào khác ngoài việc phải hỗ trợ (các hãng bay)”, Rob Morris, giám đốc tư vấn toàn cầu của Cirium, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Morris cho rằng dù được hỗ trợ về tài chính, triển vọng trong các tháng cuối năm nay “không mấy sáng sủa”.
“Thông thường vào tháng cuối năm hay xảy ra nhiều sự cố hàng không”, ông Morris nói với CNBC. Quý đầu và cuối mỗi năm thường là quãng thời gian “khó khăn nhất” bởi phần lớn doanh thu đến từ hai quý còn lại.
“Trong bối cảnh nhu cầu đi lại tại hầu hết khu vực trên thế giới chưa phục hồi như hiện nay và các hãng bay vẫn phải vật lộn với nguồn doanh thu và dòng tiền mặt, chúng tôi dự báo sẽ có nhiều hãng phải dừng hoạt động trong quý cuối năm nay và quý đầu năm 2021”, ông Morris cho biết.
Đồng quan điểm, ông Brendan Sobie của Sobie Aviation nhận định một số chính phủ có thể sẽ không muốn giải cứu các hãng bay lần thứ hai.
Dữ liệu của Cirium cho thấy trong số 43 hãng hàng không dừng hoạt động từ đầu năm đến nay, có 20 hãng sở hữu ít nhất 10 máy bay.
“Rõ ràng đại dịch đang ảnh hưởng tới các hãng bay có quy mô lớn”, ông Morris bình luận. Đến nay, đã có 485 máy bay phải “nằm không”, so với 431 của cả năm 2019 và 406 của năm 2018.
Ông nhấn mạnh rằng các hãng bay phá sản do mô hình kinh doanh kém hoặc gặp phải các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, các vụ sụp đổ lớn trong năm nay “rõ ràng xảy ra bởi nhu cầu lao dốc trước tác động của đại dịch”.
“Sau 10 năm liên tục tăng trưởng với nhu cầu đi lại trên toàn thế giới tăng gần gấp đôi, cú sốc này khiến các hãng bay mất sạch nguồn thu trong khi vẫn phải chịu chi phí cao”, ông Morris nói thêm.
Đầu tuần này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo ngành công nghiệp hàng không có thể mất 77 tỷ USD doanh thu trong nửa cuối năm 2020 và tiếp tục mất khoảng 5-6 tỷ USD mỗi tháng trong năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm. Hồi tháng 7, IATA dự báo lượng hành khách hàng chỉ có thể phục hồi mức của năm 2019 vào năm 2024.