Ngành hàng không Đông Nam Á hưởng lợi nhờ sự bùng nổ du lịch trong khu vực

Các nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy bởi xu hướng du lịch 'láng giềng' của tầng lớp trung lưu châu Á...

Các dự án mở rộng sân bay đang được triển khai trên khắp Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, thêm vào đó là sự ra mắt của một hãng hàng không mới vào năm 2024 – tất cả đều dựa trên sự bùng nổ du lịch hàng không ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi khách du lịch trong khu vực.

PHỤC HỒI HẬU ĐẠI DỊCH

Báo cáo Brand Finance ASEAN 300 năm 2023 đã nêu bật hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của giá trị thương hiệu hàng không trong khu vực. Với việc bình thường hóa di chuyển sau đại dịch và việc ký kết Thỏa thuận hàng không toàn diện ASEAN-EU vào năm 2022, thỏa thuận dịch vụ ASEAN-New Zealand (ANZ-ASA) vào tháng 9/2023, các thương hiệu hàng không khu vực đang tiếp tục gặt hái được những thành quả tích cực.

Theo đó, Singapore Airlines dẫn đầu với tư cách là thương hiệu hàng không có giá trị nhất (với giá trị thương hiệu tăng 8% lên 2,2 tỷ USD), tiếp theo là Airasia (giá trị thương hiệu giảm 7% xuống còn 1,3 tỷ USD) và Thai Airways (giá trị thương hiệu tăng 3% lên 1,3 tỷ USD). Mặc dù cả 3 thương hiệu này đều trải qua những biến động về giá trị thương hiệu trong vài năm gần đây nhưng họ vẫn tiếp tục giữ vị trí vững chắc trên thị trường.

Không chỉ những “gã khổng lồ” đầu ngành mới ghi nhận được kết quả khả quan. Một số hãng hàng không khác đang có những bước tiến đáng kể như Vietnam Airlines (giá trị thương hiệu tăng 6% lên 377 triệu USD), VietJet Air (giá trị thương hiệu tăng 11% lên 362 triệu USD), Garuda Indonesia (giá trị thương hiệu tăng 17% lên 276 triệu USD) và một số tên tuổi khác. Những đơn vị này vẫn đang tiếp tục phát triển và mở rộng phạm vi tiếp cận của họ trong ngành hàng không khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.

Bên cạnh đó, mảng hàng không giá rẻ như Thai Air Asia cũng có hoạt động tốt hơn trong năm nay khi tình hình kinh tế còn nhiều thách thức khiến hành khách thận trọng hơn trong chi tiêu. Nhu cầu đối với các đường bay từ Trung Quốc của Thai Air Asia tiếp tục tăng trưởng tốt, cao hơn 8% so với quý 2. Công suất các chuyến bay hàng tuần đến Trung Quốc cũng được cải thiện từ mức 74% trong quý 2 lên 87% trong quý 3/2023.

Tương tự tại Singapore, sự bứt tốc của hãng hàng không giá rẻ Scoot đã đóng góp 1,4 tỷ SGD vào lợi nhuận 6 tháng kỷ lục của Singapore Airlines, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất tới Trung Quốc chỉ phục hồi được 75% so với mức tháng 1/2020, nhưng tổng công suất của Singapore Airlines dự kiến sẽ đạt được 92% như trước đại dịch vào cuối năm nay.

TIỀM NĂNG MỞ RỘNG

Để tiếp tục đẩy mạnh du lịch, Thái Lan triển khai kế hoạch miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc và Kazakhstan từ ngày 25/9 đến cuối tháng 2/2024, cũng như miễn visa cho khách Nga đến tháng 4 và khách du lịch Ấn Độ và Đài Loan cho đến tháng 5 năm sau. Cơ quan du lịch Thái Lan kỳ vọng việc miễn thị thực sẽ thu hút thêm 500.000 đến 700.000 khách du lịch Trung Quốc.

Việt Nam đang cân nhắc một kế hoạch tương tự cho khách du lịch Trung Quốc và đã thí điểm chương trình miễn thị thực ở một số tỉnh dọc biên giới chung.

Nhưng theo nhận định OAG, trên thực tế ngành du lịch của Đông Nam Á vẫn còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc và hiện tại, số lượng du khách Trung Quốc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đặt ra khi quốc gia này phải vật lộn với sự suy thoái kinh tế.

Trong năm nay, Việt Nam mới chỉ thu hút 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc tính đến tháng 10/20, thấp hơn nhiều so con số 5,8 triệu vào năm 2019.

Trước sự trì trệ của Trung Quốc đại lục, các nền kinh tế mạnh về du lịch của Đông Nam Á hướng mắt sang Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng như nhiều nước láng giềng khác.

Malaysia hiện là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, trong khi khách Indonesia đến Singapore nhiều nhất và khách Hàn Quốc đến Việt Nam đông nhất.

“Mặc dù số lượng khách du lịch vẫn chưa trở về mức cao của năm 20219 do bị phân mảnh từ góc độ kinh tế, nhưng vẫn có những nỗ lực phối hợp được thực hiện để đưa ngành du lịch hồi sinh mạnh mẽ. Khó khăn sẽ dần giảm bớt trong thời gian tới”, ông Mayur Patel, giám đốc khu vực châu Á của công ty tư vấn dữ liệu hàng không OAG chia sẻ với hãng tin AFP.

Trên thực tế, Đông Nam Á đang trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách, mà ngay cả các nhà đầu tư tư nhân và nhà nước cũng đang cạnh tranh nhau để giành lấy một thị trường đang mở rộng.

Khu vực chiếm 10% lưu lượng giao thông toàn cầu – hơn 500 triệu hành khách vào năm 2019.

Trên khắp Đông Nam Á, từ Bangkok đến Hà Nội, các chính phủ đang chi hàng tỷ USD để nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay.

Cụ thể, một nhà ga mới đã được khai trương tại Suvarnabhumi, sân bay quốc tế chính của Bangkok vào tháng 9 vừa qua và đường băng thứ ba đang được mở rộng. Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng nhà ga thứ ba tại sân bay Don Mueang gần thủ đô, cũng như tăng gấp đôi công suất tại tỉnh Chiang Mai ở phía bắc và trung tâm du lịch biển đảo Phuket.

Campuchia cũng có kế hoạch biến sân bay mới trị giá 1,5 tỷ USD của Phnom Penh - dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 - trở thành trung tâm khu vực để cạnh tranh với Bangkok và Singapore, phục vụ khoảng 50 triệu hành khách vào năm 2050.

Chưa hết, vào đầu tháng 12 vừa qua, Campuchia một lần nữa thể hiện rõ tham vọng của mình cho ngành du lịch khi khai trương sân bay mới trị giá 1,1 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ ở Siem Reap, cửa ngõ vào khu phức hợp đền Angkor Wat, điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của Campuchia.

Được xây dựng như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, sân bay Siem Reap được ca ngợi là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, có khả năng giúp địa phương đón 12 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2040 – gấp đôi tổng số khách du lịch nước ngoài đến thăm đất nước này vào năm 2019.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nganh-hang-khong-dong-nam-a-huong-loi-nho-su-bung-no-du-lich-trong-khu-vuc-post546591.html